{jcomments on}

Mùa Đông đã thật sự đến, mưa, gió bão, đá tuyết, lạnh buốt từ trong da thịt là những việc thường xảy ra vào mùa nầy, những ngày lễ kỷ niệm mừng ngày Chúa giáng sinh xuống trần thế đã đi qua, rồi lại chào đón năm mới 2013, các học sinh được nghĩ Đông gần ba tuần lễ, và thứ hai tới đây các cháu lại bắt đầu trở lại trường học, sinh hoạt đời sống cũng bình thường như trước. Riêng người Việt xa quê hương lại bắt đầu chuẩn bị đón Tết Việt Nam.
Rất hay là con gái tôi làm việc cho Sở học chánh nơi thành phố chúng tôi sinh sống, nhiệm vụ chính của con tôi là phụ trách khối học sinh cấp 3 đang học chương trình ESL (Anh văn là ngôn ngữ thứ hai), đó là chương trình giáo dục hổ trợ cho các học sinh mới nhập cư từ các nước khác đến, mà ngôn ngữ chính không phải là Anh văn, hầu giúp cho các cháu sớm theo kịp chương trình với các học sinh tại địa phương.
Ngoài việc giúp đỡ học sinh và gia đình hiểu được những nội quy hay những chính sách học tập cho các em, con tôi còn phụ trách thêm phần truyền bá văn hóa của người VN tới các cộng đồng khác trong nhà trường (Trường học nơi đây thường là đa dân tộc, đa văn hóa). Vì vậy, Tết đến là dịp giới thiệu văn hóa truyền thống của quê hương, cũng như mọi năm, tự tay con tôi viết kịch bản, đạo diễn chương trình gồm các tiết mục: nhà nhà chuẩn bị đón Tết, nói về phong tục,các thức ăn đặc biệt dùng cho ngày Tết…, xen lẫn những bài hát quê hương mang màu sắc của Xuân ,Tết… Năm nay con tôi và các học sinh dự trù quay video clip phỏng vấn những người già nói về cảm nghỉ khi đón Tết trên xứ người. Tôi tham gia ghi lại cảm nghỉ của mình cho con gái, dĩ nhiên không tránh khỏi xen lẫn chút tâm tình của những người phải sống xa nơi chôn nhao cắt rún của mình.
“Chúng tôi định cư nơi nầy đã hơn 12 năm, có nghĩa Tết năm nay là Tết thứ 13 trên quê mới. Những năm đầu đón Tết buồn tẽ vô cùng, người nhà của mình có dẫn đi chợ Việt Nam, cũng được nhìn thấy quầy bánh mứt Tết, như là thèo lèo cứt chuột, mứt dừa,mứt bí, hạt dưa đỏ, ngay cả trái cây như mãng cầu, dừa tươi, đu đủ…để chưng mâm ngũ quả cũng có bày bán, có cả hoa mai vàng, cúc đại đóa, những câu liễn chúc tết, những bao lì xì đỏ…, nhưng sao lòng mình lại không thấy vui! Nhớ về Tết ở quê nhà…không khí rộn rã từ sau khi năm mới dương lịch bắt đầu, và tháng chạp theo âm lịch cũng đến… nào là chuẩn bị quần áo mới, sắp xếp lại và chùi rửa nhà cửa đôi lúc còn phải sơn phết lại, những gì cũ kỹ, hư hỏng bỏ ra, mua sắm vật mới, phụ nữ trong nhà tỏ ra chút “công dung ngôn hạnh” thì làm bánh mứt, gói một ít nem chả, làm lạp xưởng, dưa kiệu, dưa giá, dưa cải. Theo phong tục tổ tiên mình, ngày Tết là dịp nghỉ ngơi sau những ngay làm việc vất vả trong năm, là dịp gia đình xum hợp, anh em láng giềng thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau, do đó phải chuẩn bị nhiều thức ăn ngày Tết cho con cháu về nhà cùng ăn, có chút đỉnh đồ nhắm lai rai mỗi khi có người quen đến thăm và chúc Tết…, vì vậy nhà nào cũng phải có bánh tét, bánh ít, một nồi thịt kho trứng xen lẫn những khúc cá lóc hay những con tôm đỏ lụi gọi là kho tàu. Nói đến Tết thì cái gì cũng phải mới, và mọi sự việc đều vui vẻ, vì đầu năm mới có vui, có đủ ăn sẽ dẫn cả năm phước lộc đầy tràn…
Mang tâm trạng của người con gái lấy chồng xứ lạ, muốn sống vui, sống hạnh phúc, mình phải xem đây như nhà mẹ đẻ của mình, mọi thứ dần quen. Chúng tôi cũng có được ngày nghỉ cuối năm, trong nhà cũng chưng mâm ngũ quả, các món ăn trong nhà gồm có: bánh chưng, bánh tét, bánh mứt… và đặc biệt là chợ có bán những chậu cúc đại đóa rất đẹp, mỗi chậu có khoảng 6 bông nở to đều đặn, màu vàng anh rực rỡ, những năm sau nầy các nghệ nhân còn lai tạo hoa có cánh vàng ở trong, bên ngoài màu đỏ trông óng ánh như hoa trên lụa vậy.
Thường thì khoảng 23 Tết chợ mới đem bông về bán, phải dặn người bán mới có hoa đẹp, chúng tôi không quên một bó bông huệ đỏ cho Mẹ tôi vì bà thích loại bông đó, ngoài ra còn có vài cành đào, cành mai (giá cả có hơi đắt đỏ nên tôi chỉ chọn hoa cúc mà thôi). Theo phong tục quê mình chuẩn bị Tết nhà, còn phải chuẩn bị Tết cho ông bà tổ tiên đã khuất, nên những ngày cuối năm còn đi “vẫy mả” quét vôi, hay đắp mộ, sửa sang mới ”ăn Tết”. Chúng tôi có thêm niềm vui vì đã hoàn thành nguyện ước của mẹ là đã đem tro cốt của cha tôi đến đây cải táng trên đất mới. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn đưa bà đi thăm mộ của ông. Vào ngày cuối của mỗi năm, chúng tôi thường nấu bữa cơm chay, đặc biệt là món bì cuốn chay chấm tương ớt, bún gạo xào thì không thể thiếu trên bàn ăn, đó là những món gia đình chúng tôi rất thích… gợi nhớ cảnh xum hợp gia đình xưa (lúc sinh tiền bà nội tôi bảo rằng: đầu năm cả nhà phải cùng nhau ăn chung bữa ăn đoàn viên, bắt buộc tất cả phải ăn chay, ăn tượng trưng một ngày thì xem như đã ăn chay được nguyên cả năm).
Tôi hiểu! Dù cuộc sống bây giờ được sung mãn hơn những gì của trước đây, nhưng “mùi vị quê hương” thuở nào không tìm được ở bất cứ nơi đâu, dẫu có quay về nơi chốn cũ nhưng rồi cảnh xưa chắc cũng khó tìm, kẻ còn người mất... Tôi mượn lời bài thơ cổ để nói lên tâm trạng cùng các bạn:
“Năm nay đào nở như năm ngoái
Những người xưa cũ giờ nơi đâu"
Trích đoạn bài thơ “Trả lời bạn" của Ly Khách.
Nhân đây tôi diễn đạt thêm về loài hoa cúc vàng, mùa Thu có biểu tượng tình yêu về hoa cúc… và mùa Xuân hoa cúc cũng có một ý nghĩa riêng nhất là hoa cúc vàng, đó là: lòng kính yêu quí mến nhau, nỗi hân hoan, vui mừng, chân thật, là niềm vui và may mắn.
Xuân Quý Tỵ đã về đến ngõ, kính chúc Thầy Cô, các bạn hữu và quý quyến năm mới:
An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý.
Hãy cùng nhau đọc bài thơ vui “Hoa cúc vàng” của Nguyễn Văn Chương.
Suốt cả mùa Đông
Nắng đi đâu miết,
Trời đắp chăn bông
Còn cây chịu rét.
Sớm nay nở hết
Đầy sân cúc vàng,
Thấy mùa Xuân đẹp
Nắng lại về chăng.
Ồ chẳng phải đâu
Mùa Đông nắng ít,
Cúc gom nắng vàng
Vào trong lá biếc
Chờ cho đến Tết
Nở bung thành hoa,
Ấm vui mọi nhà.
Nguyễn Thị Hồng Cúc
1/2013