(Hình lượm lặt trên Internet với mục đích minh họa cho bài viết)

 

Đã 46 năm trôi qua mà mỗi khi nghĩ lại tôi nhớ rõ ràng từng chi tiết như thể chuyện mới xảy ra tuần rồi hay tháng rồi. Ngày đó mặc dầu đang còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, tôi linh cảm mạnh mẽ là miền Nam sắp đi qua một giai đoạn rất tối tăm vì tiếng súng và tiếng bom đạn pháo kích mỗi ngày một gần hơn. Làm sao tôi quên được ngày hôm ấy khi một phép lạ từ bên trên ban xuống. 

Thường thì sinh viên chúng tôi thi trong khoảng giữa tháng 5, nhưng vì chiến tranh càng lúc càng gần, kỳ thi năm 1975 được dời lại một tháng sớm hơn tại trường NLS Bình Dương. Hôm đó đang ngồi trong phòng thi, thì thầy Giám Học gởi giấy gọi tôi lên văn phòng gấp. Tôi bước ra khỏi phòng với tâm trạng bàng hoàng, ngỡ ngàng và cũng hơi xấu hổ vì có lẽ các bạn cùng lớp nghĩ là tôi bị đuổi ra khỏi phòng thi vì một lý do gì đó không tốt. Khi tới văn phòng thì thấy thầy Giám Học và anh rể tôi (GS NLS Bảo Lộc) đang nói chuyện với nhau. Anh rể nói tôi phải về gấp vì tình hình đã đến lúc nguy cập. Anh là một trong số vài người may mắn thoát ra khỏi Bảo Lộc qua ngõ Nha Trang trên con tàu chở gạo về tới Vũng Tàu ngày hôm qua. Tôi không biết phải nói sao vì đang trong kỳ thi, thì thầy Giám Học khuyên tôi nên nghe lời anh rể, và mọi việc trục trặc ở trường nếu có sẽ giải quyết sau.

Tôi đi theo anh như một cái máy. Anh kéo tôi lên ngay xe đò trước trường trực chỉ về Sài Gòn tức thì. Hôm đó mắt tôi nhòa đi khi xe đò chuyển bánh. Lúc ấy cái cảm giác thương nhớ tiếc nuối lạ lắm như là đây là lần cuối cùng hay là sẽ lâu lắm tôi mới nhìn được mái trường thân yêu này.

Khi về đến nhà thì hay mẹ tôi đang lo cho người chị và ba đứa em di tản với người cậu qua đường bay Tân Sân Nhất (TSN). Trong bốn ngày kế tiếp, tôi khá cực vì phải luôn tiếp tục chuyển đồ dùng, thuốc men, giấy tờ hồ sơ, và đồ ăn thức uống tới một vila gần TSN nơi chị và các em tôi cùng một số người đang tạm trú chờ được đón vào phi trường có thể là bất cứ lúc nào. Ngày nào tôi cũng phải đi vài chuyến khá xa từ Khánh Hội lên đây. Tôi khá mệt mỏi vì hành trình mỗi ngày như thế, và buồn chán vì viễn ảnh về những gì sắp xảy ra cho những người phải ở lại (trong đó có tôi) một khi Sài Gòn đổi chủ. Cứ nhìn các việc đã xảy ra ở Hà Nội sau 1954 (vì Bố Mẹ đã kể cho chúng tôi nghe nhiều khía cạnh cuộc đời miền Bắc năm 1954) hay nhìn các quốc gia trên thế giới chuyển Đỏ thì thấy ngay cái mẫu số chung đó. 

Chuyến đi đường TSN không thành vào giờ chót. Tôi lại phải khăn gói quả mướp lên đường đi đón chị em tôi về nhà. Hôm đó thật cực nhọc vì chiếc xe Honda PC chỉ chở được một người và ít đồ mỗi chuyến. Phải đi đi về về bằng nhiều chuyến. Sau chuyến cuối cùng, khi về đến nhà tôi quá mệt cả thể xác lẫn tinh thần, tôi không thiết ăn uống, và tôi nằm dài ngủ thiếp đi dưới sàn xi măng mát trong nhà gần bàn thờ Phật. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang nằm trên bãi cỏ thật xanh trên sườn đồi nhà người quen. Các em tôi thì đang nô đùa với con nít hàng xóm phía trước nhà. Trong giấc mơ tôi biết mình đang ở hải ngoại. Tôi vui lắm và tôi tiếp tục ngủ vùi vì gió mát và không khí trong lành. Tôi ngủ như chưa bao giờ được ngủ, và ngủ với một sự vui mừng sung sướng trong lòng.

Khi thức dậy nhận ra mình đang nằm trên sàn xi măng ở căn nhà Khánh Hội, thì bao niềm vui trong lòng tan biến. Chỉ trong một thoáng, niềm thất vọng, nuối tiếc và buồn chán dâng đầy. Những lúc nghĩ đến những chuyện có thể xảy ra khi nhóm người CS vào đây, tôi đã nghĩ tới bữa cơm cuối cùng thay vì sẽ phải chịu đựng bao nhiêu năm còn lại. Nhưng một câu hỏi lớn cứ lảng vảng trong tâm trí là “tại sao tôi lại có giấc mộng kỳ lạ đó?” Bao nhiêu câu hỏi tại sao và tại sao cứ vây quanh, nhưng câu trả lời thì biệt vô âm tín. Sau một đêm thao thức, tôi tạm tìm được một câu trả lời, và câu trả lời này làm tôi phấn khởi vô cùng. Có lẽ Trời Phật Chúa thấy tôi là kẻ hiền lành đang bị lao tâm lao lực, và đang bị dồn vào đường cùng, Ngài đã cho tôi thấy cái tương lai gần qua một giấc mơ kỳ diệu để giúp tôi qua được giai đoạn khó khăn này. Đó là câu trả lời duy nhất mà tôi tìm được. Nghĩ được điều này, lòng tôi rộ lên những nỗi vui mừng. Người tôi như mới được tiêm vào một mũi thần dược. Tôi như cây bị nắng hạn giờ được mưa. Một nguồn sinh lực mới đang hồi sinh trong tôi. Nhưng tôi phải làm gì bây giờ? Tôi biết là không được ngồi chờ sung rụng, và tôi biết là Ngài sẽ giúp nếu tôi cố gắng mọi thứ có thể làm.  

Ngày hôm sau tôi qua cầu chữ Y thăm một người bạn khá thân là con trai của một sĩ quan cao cấp trong dinh Tổng Thống xem bạn mình có thể giúp gì cho mình không. Câu trả lời là bạn tôi cũng chưa biết phải làm gì và đi đâu. Mặc dầu không giúp được, nhưng bạn nói nhỏ là khoảng cuối tháng 4 là mọi chuyện sẽ ngã ngũ vì nó vô tình nghe loáng thoáng cuộc điện thoại của Ba và cấp trên. Như vậy là tôi còn gần chục ngày để tìm kiếm giải pháp. Hai ngày kế tôi cố ghé vào thăm một người bạn khá thân trong phi trường TSN với hy vọng là nếu có cơ hội, tôi sẽ liều chạy theo người di tản lên máy bay trong lúc hoảng loạn. Chuyện cũng không xong vì phi trường lúc ấy gần như nội bất xuất và ngoại bất nhập.  Các ngày sau đó, tôi cố gắng tìm một lối thoát khác. Tôi đã ra trước tòa Đại Sứ Mỹ xếp hàng chung với những người sắp rời VN với niềm hy vọng duy nhất là nếu gia đình nào được đi nhưng không trình diện đủ số người đã khai báo trong danh sách vì một lý do nào đó (đổi ý, kẹt xe, ngủ quên, say, chết…), thay vì cả gia đình bị giữ lại chờ cho đủ số, tôi có thể xin đóng vai người đó cho đủ số để đi ngay. Thử hai ngày nhưng không có kết quả. Rồi tôi nghe nói ở Hải Quân Công Xưởng (HQCX) là nơi để đi nhưng khốn nỗi là gia đình tôi không có ai trong quân đội. Tôi biết sở Ba Son đóng tàu kế bên HQCX. Bố tôi ngày xưa làm ở đây. Có thể xin việc thợ máy tạm thời, và từ bên sở này tôi có thể vào HQCX bằng đường bên trong phía sau. Chuyện cũng không thành vì các cửa ra vào sở Ba Son đều đóng kín và bảng tuyển dụng nhân viên đã bị gỡ. Mấy ngày sau, tôi đạp xe qua Tân Thuận coi đường đi Nhà Bè vì từ đây, theo trí óc nông cạn lúc bấy giờ (môn Địa Lý tôi luôn bị điểm kém vì không thuộc bài), tôi nghĩ nó có thể đưa tôi ra cửa biển. Trong vài ngày, tôi cố đạp xe cho đến khi gần như không đi được nữa thì phải quay về. Ngày 28 tháng 4, khi về đến cầu Tân Thuận thì xe bị lủng lốp, làm tôi phải dẫn xe từ Tân Thuận về đến nhà mất 5 giờ đồng hồ. Tốn bao nhiêu thì giờ mà không đi đến đâu.  Mỏi mệt, thất vọng, đói và khát, tôi về đến nhà chiều tối hôm đó với một giấc mộng tan vỡ. Mới tám ngày trước, sau giấc chiêm bao, tôi đứng dậy với niềm tin thật mạnh mẽ. Bây giờ thì gần như hết rồi. Ngày mai là ngày 29, rồi ngày mốt là ngày 30 cuối tháng. Thế là xong. Bạn tôi nói như vậy. Không còn thì giờ nữa. Mà nếu có thêm thì giờ, tôi cũng không còn biết phải đi đâu nữa. Tôi đã làm mọi thứ mà tôi có thể trong tầm tay với nhưng không có kết quả.

Đêm nay tôi ngồi đây ở căn nhà nơi tôi lớn lên ở Bến Súc cuối đường Hoàng Diệu, và chấp nhận những gì sắp đến. Ý nghĩ về bữa cơm cuối cùng lại ló dạng. Tôi cũng nghĩ về giấc mơ, nhưng... mối hy vọng thật quá mỏng manh vềmột phép màu nào đó cứu gia đình tôi vào giây phút sau cùng. Quá mệt, tôi niệm Phật, và tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, ngày 29 tháng 4, thay vì nằm nhà vì giới nghiêm, tôi vác cần câu, chui qua lỗ chó dưới hàng rào bên kia đường cách nhà chừng 80 mét, len lỏi qua đám lau sậy, vào cầu ba (nơi tàu cặp bến) để câu cá. Chừng một tiếng đồng hồ ngồi câu, tôi thấy vài xe cảnh sát chở nhiều gia đình lên các tàu nhỏ đang đậu ở bến như tàu Vàm Cỏ, tàu Bình Minh, tàu Nhựt Lệ... Tôi tới gần dự định là nếu họ không để ý, tôi sẽ leo lên tàu. Sau gần nửa giờ quan sát, thì cơ hội đã tới.  Một bà khoảng tuổi mẹ tôi đang loay hoay khiêng hai túi đồ lên tàu một cách khó khăn. Tôi chạy ngay đến giúp bà mang lên tàu. Khi lên tàu, không thấy ai xét giấy tờ hay hỏi han gì tôi. Nếu có ai hỏi thì tôi sẽ nói đại là tôi là cháu Đại Tá X(*).  Sau một lúc đi lại trên tàu mà không bị ngăn cản, tôi vội vã về nhà và cho gia đình biết đây là chỗ di tản mới. Tôi cứ nghĩ là tin này sẽ làm gia đình tôi vui lắm, nhưng không một ai trong gia đình tin đó là sự thật vì cách đây hai tuần mẹ tôi sẵn sàng hy sinh tất cả gia tài dành dụm để lo cho vài đứa con đi nhưng vẫn không xong. Bây giờ đã không tốn tiền, đi được cả nhà, mà lại quá thuận tiện ngay trước cửa nhà. Đây là chuyện không thể và không tưởng. 

Vì không ai dám đi, tôi đành đi một mình khoảng 1 giờ trưa hôm đó. Tôi leo lên một xà lan lớn có sức chứa cả ngàn người. Sau vì thấy bao nhiêu người đi bằng cách này, gia đình tôi quyết định đi, và rời nhà lúc 4 giờ chiều trên một xà lan khác. Chúng tôi thấy nhau trên sông Sài Gòn. Đến quá nửa đêm rạng sáng ngày 30 tháng 4, nhìn về hướng Sài Gòn thấy lửa cháy sáng một góc trời do bồn dự trữ xăng dầu ở Nhà Bè bị nổ. Sài Gòn ơi, vĩnh biệt. Đêm đó tôi gần như không ngủ. Sáng hôm sau, ngày 30 tháng 4, nghe tin trên radio là Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi các anh em chiến sĩ VNCH buông súng. Thế là hết. Một chế độ nhân bản VNCH đã cáo chung, và thay vào đó một chế độ CS hà khắc.

Để thay lời kết, tôi xin viết thêm vài dòng về “tương lai” ngắn sau 30/4. Hai hôm sau, tàu ra đến hải phận quốc tế và chúng tôi được Hạm Đội 7 Hải Quân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đón. Sau này khi đến Mỹ, tôi định cư với người bảo trợ tại Springfield, Virginia, cách trại tỵ nạn Pennsylvania 400 cây số.  Khi về tới nhà người bảo trợ, tôi giựt mình khi nhìn thấy đồi cỏ dốc nơi tôi ngủ trong giấc mơ 4 tháng trước. 

Vâng, thưa các bạn, phép lạ đã xẩy ra ngày 29 tháng tư cho gia đình tôi, mà kết quả sau cùng đã đúng như những gì tôi thấy trong giấc mơ. Tôi không biết nói gì hơn ngoài việc tạ ơn và cam nguyện mình sẽ sống tốt để không phụ lòng Ngài. 

 

Nguyễn Bá Hùng
MS2 K4 NLSBD (1973-1974), Sinh Viên Cao Đẳng Ngư Nghiệp (1974-1975)
 
(*) Đại Tá X chỉ là nhân vật tưởng tượng, trong khi Đại Tá Y là có thật. Ông Y ngày trước là Chỉ Huy Trưởng của Tổng Nha Cảnh Sát Sài Gòn. Nếu tôi nhớ không lầm thì Đại Tá Y là thân phụ của ca sĩ Nguyệt Ánh thường hát chung với Việt Dzũng.