Như thông lệ cứ mỗi cuối năm, tôi thường viết một đoản văn hay làm một bài thơ, vừa nói lên tâm tình của mình, vừa để gởi đến Thầy Cô cùng Bạn Hữu trong gia đình áo nâu, những lời chúc xuân thật nồng nàn hạnh phúc. Những kỷ niệm của những mùa xuân năm nào vẫn luôn hằn trong trí nhớ. Cứ mỗi lần năm mới, tết đến thì cùng nhau kéo về, dâng tràn như thác lũ. Nhưng lần nầy thì tôi xin phá lệ.
 
Sau khi đọc những tâm tình của Chị Minh Nguyễn qua “Nổi Trôi Cùng Vận Nước,” tôi thấy lòng mình chùng xuống. Có một cái gì đó thật mơ hồ, khó tả. Một nỗi xúc động  mà chắc lâu rồi tôi mới tìm thấy. Những rung cảm đó đã thôi thúc tôi - tiếp nối với Chị Minh Nguyễn - viết lên những dòng nầy để  nhắc nhở chúng ta rằng bên cạnh những người lính vô danh còn có những người vợ lính cũng cùng chồng sống trong gian khổ, cùng chồng chiến đấu oanh liệt để chu toàn nhiệm vụ bảo vệ Miền Nam Tự Do yêu dấu của chúng ta.
 
Tôi thật sự cảm phục những người vợ  của các anh lính Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đóng ở những đồn bót xa xôi hẻo lánh. Các Chị cùng với lũ con nhỏ dại đã chọn cho mình một đời sống thiếu thốn, đầy nguy hiểm chỉ để được gần chồng, chỉ để được tận tay mình chăm sóc cho chồng, và họ coi đó là niềm hạnh phúc trong đời. Hằng ngày các Chị lội xuống những con lạch chung quanh đồn để gắng bắt vài con tép, vài con cá, hái những đọt rau dại về để lo cho chồng con bữa ăn tươm tất. Trong những lần địch công đồn, các Chị ở cạnh bên chồng chiến đấu như những chiến sĩ khác. Chạy tất tả dưới giao thông hào để tãi từng thùng đạn hay quăng những trái lựu đạn yểm trợ cho chồng ngăn chận quân thù đang tấn công điên cuồng sắt máu. Và nếu chẳng may, các Chị phải nằm xuống, thì có được chăng thì cũng chỉ là những dòng lệ đau thương của chồng, của con, của đồng đội may mắn còn sống sau những trận đánh kinh hoàng rực trời máu lửa. Không có được Lá Cờ Vàng phủ lên mảnh áo quan và cũng không có những phát súng chỉ thiên tiễn đưa hồn tử sĩ.  Các Chị là những người lính không có tấm thẻ bài. Các Chị là những người lính không số quân nên làm gì có tiền tuẫn tức. Các Chị chiến đấu hiên ngang. Các Chị không nhận được gì cả. Bởi vì các Chị là những người Chiến Sĩ Vô Danh.
 
Thời đó – vào những năm đầu của thập niên 70 - Đồng Tháp Mười là vùng lãnh thổ thuộc Đặc Khu 44, được bảo vệ  bởi những người lính kiêu hùng của Sư Đoàn 7, Sư Đoàn 9, những người lính đầu Cọp của các tiểu đoàn Biệt Động Quân gan dạ, và những người lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân gian khổ, kiên trì, bền chí. Khi những người lính nói đến vùng Đồng Tháp Mười là họ nói đến những địa danh với những cái tên nghe rất thanh bình, êm ả như là Bình Thạnh Thôn, Ấp Bắc, Mộc Hóa, Cao Lãnh… Nhưng nghe vậy mà không phải vậy. Đó là những vùng đất mà các anh lính thường bảo nhau, “đến đã khó mà về còn khó hơn,” cũng có thể chẳng bao giờ về. "Đi là đi chiến thắng. Đi là mang mối thù thiên thu" (1). Còn  đối với chúng tôi - Những người lính trên không - Đồng Tháp Mười – Đó là vùng đất của oan khiên và nhiều hệ lụy. Bạn bè chúng tôi đã có người – đi không ai tìm xác rơi (2). Bởi vì thân xác của họ và thân xác của con tàu là một. Mộc Hóa ở hướng Bắc. Bình Thạnh Thôn ở hướng Nam. Cao Lãnh ở hướng Tây. Đó là ba đỉnh của tam giác tử thần. Trên cao nhìn xuống, rải rác đây đó những khối sắt rĩ sét của những chiếc trực thăng nằm chênh vênh nơi bìa rừng, trên bờ đê con kinh nhỏ. Mỗi lần phải bay ngang qua đây, chúng tôi ai ai cũng thấy bùi ngùi, thương xót.
 
Ngày đó, tôi nhớ rất rõ. Bởi vì đó là ngày đưa Ông Táo về Trời – ngày 23 tháng Chạp, năm Quí Sửu – 15 tháng giêng 1974. Chỉ còn một tuần lễ nữa là bước sang năm mới. Chúng tôi gồm Trung úy Hùng ở ghế phi công chánh, Thiếu úy Thế là tôi ở ghế phi công phụ, Trung sĩ Thoàn và Hạ sĩ Phương là hai xạ thủ. Chúng tôi nhận phi vụ lịnh đến trình diện phòng hành quân Cao Lãnh để xin chỉ thị. Lịnh hành quân tương đối dễ thở. Tôi nói “dễ thở” chớ không nói “dễ dàng.” Không một người lính nào  dám dùng tiếng “dễ dàng” nơi vùng đất nầy – vùng đất của máu và nước mắt, của tai ương và ly biệt. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tế những nhu yếu phẩm như thuốc lá, lương khô, nước nắm, nhưng lần nầy hơi đặc biệt là có những món quà  như bánh kẹo và thư chúc tết từ các em gái hậu phương gởi ra cho các anh chiến sĩ ngoài tiền đồn xa xôi, hẻo lánh. Chúng tôi nhận hàng tiếp liệu ở Phi Trường Cao Lãnh để bay đi tiếp tế cho hai đồn gần Ấp Bắc. Về lại Cao Lãnh nhận hàng cho hai đồn ở Bình Thạnh Thôn. Chuyến cuối là chuyến nhận hàng ở Cao Lãnh để tiếp tế cho chi khu Mộc Hóa, rồi sau đó bay trở về căn cứ Phi Trường Bình Thủy, Cần Thơ. Những phi vụ tiếp tế như vậy rất quen thuộc với chúng tôi. Những đồn bót ở nơi xa xôi, hẻo lánh đó chẳng xa lạ gì với chúng tôi. Mỗi lần bay về Cao Lãnh để lấy thêm nhiên liệu và hàng hóa là mỗi lần thấy xót thương cho con tàu. Không nhiều thì ít cũng vài ba lổ đạn AK xuyên qua đuôi tàu. Nhưng lần nầy thật là lạ - thân tàu không có một chỗ nào trầy xước. Có lẽ các anh bạn du kích bận lo ăn Tết hay đang chuẩn bị cho trận Mậu Thân thứ hai. Cũng có thể là chúng tôi được bạn bè phò hộ. Vì nếu có dịp bay qua vùng trời nầy, chúng tôi đều khấn vái mong bạn bè che chở. Những điếu thuốc đốt cháy được thả xuống.
 
 - Tụi mầy kéo vài hơi cho đỡ lạnh. Chuyến nầy cũng sắp tết, bọn tao gởi cho tụi mầy trọn gói để dành mà hút.
 
Đó là những lời tâm tình chân thành từ những thằng còn may mắn gởi đến những thằng đã ra đi theo con tàu vào khung trời bình yên nào đó.
 
Gần ba giờ chiều, phi vụ cuối cho chi khu Mộc Hóa đã hoàn tất. Trời hôm nay lành lạnh. Mọi việc đã xong và cũng còn sớm. Chúng tôi có thời giờ nên kéo nhau vào câu lạc bộ làm vài ly cà phê cho ấm lòng trước khi cất cánh bay về căn cứ Bình Thủy.  Đang nhâm nhi ly cà phê nóng với màn tán hưu, tán vượn thường lệ thì bỗng có một chị ẵm trên tay đứa bé, còn tay kia dắt thằng nhỏ đi đến bàn rồi xụp quỳ xuống, nước mắt ràn rụa. Thằng nhỏ thấy mẹ quỳ cũng quỳ theo và khóc thút thít. Cả bọn chúng tôi ai nấy đều sửng sốt. Trung sĩ Thoàn ngồi phía ngoài, gần chị, đứng lên vội vàng đỡ chị cùng thằng nhỏ đứng dậy.
 
- Chị ngồi xuống ghế đi. Có gì thì từ từ mà nói.
 
Chị chỉ đứng yên mà nước mắt cứ tuôn trào. Trung úy  Hùng  quay qua hỏi ông Thượng sĩ già thường vụ đứng bên cạnh - người đã đưa chị và thằng nhỏ đến gặp chúng tôi.
 
- Chuyện gì vậy, Thượng sĩ?
 
- Chị và mấy đứa nhỏ đây là vợ và con của một anh lính sư đoàn 9. Anh bị thương hồi tối hôm kia. Sáng nay mới đưa được về đây. Gần xế trưa thì  trực thăng tãi thương bốc đưa về Quân Y Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ rồi. Gia đình anh chị ở Vĩnh Long. Chị dắt mấy đứa nhỏ đón xe đò đến đây từ sáng sớm nhưng bây giờ mới tới được. Giờ thì cũng quá trễ. Đâu còn chuyến xe đò nào về lại Vĩnh Long hay đi Cần Thơ. Tôi biết trực thăng của mấy quan sẽ bay về Cần Thơ, nên ngõ ý với chị, dẫn chị và mấy đứa nhỏ đến gặp các quan. Mong các quan giúp dùm. Dạ mong các quan giúp dùm chứ để chị và các cháu nhỏ qua đêm ở đây thật nguy hiểm. Ban đêm tụi nó cứ pháo hoài. Đêm nào cũng pháo.
 
Phi hành đoàn chúng tôi không ai kịp phản ứng. Tất cả đều im lặng chỉ nghe giọng chị nghẹn ngào:
 
- Xin các quan giúp dùm con!!!
 
Trung úy Hùng mời chị và thằng nhỏ ngồi xuống.
 
- Chắc chị và các cháu cũng đói lắm. Sáng giờ đâu có ăn uống gì đâu phải không?
 
Rồi nói với anh lính phục vụ:
 
- Cho hai tô mì gói với một chai xá xị con cọp, anh ơi.
 
Bây giờ thì chúng tôi mới để ý đến chị và các con. Chị tuổi trạc ngoài ba mươi, ẵm đứa bé trên tay, chắc chừng hai hay ba tuổi, không biết là trai hay gái. Tay kia dắt thằng nhỏ chừng bảy hoặc tám tuổi. Và hình như chị đang mang thai, chắc cũng gần ngày sanh nở. Thằng nhỏ trông cũng sạch sẽ, nhanh nhẹn. Chắc có lẽ cũng đang đói nên nó vừa ăn vừa húp thật ngon lành. Trong khi mẹ nó thi đang lo lắng chờ đợi câu trả lời của chúng tôi. Thật tình thì ai ai trong bọn chúng tôi đều muốn giúp chị. Nhưng có những qui luật khắt khe làm chúng tôi ngần ngại, không dám quyết định. Phi vụ hôm nay là phi vụ tiếp tế, chỉ chuyên chở đồ tiếp liệu mà không có nhiệm vụ chở người nên không trang bị ghế ngồi và dĩ nhiên là không có dây an toàn cho hành khách. Cả hai cánh cửa bên hông trực thăng cũng không. Điều đó có nghĩa là luật an toàn phi hành đã không được đảm bảo. Và nếu phi hành đoàn chúng tôi vi phạm, tội của chúng tôi không phải là nhỏ. Chuyên tù tội chắc chắn sẽ đến. Tôi với Hạ sĩ Phương thì không nói gì, chúng tôi còn độc thân, phải ăn tết trong quân lao cũng không đến nỗi nào. Chỉ ngại cho Trung úy Hùng và Trung sĩ Thoàn có cả vợ và con sống trong cư xá phi đoàn mà không được đoàn tụ gia đình trong những ngày tết thì không còn gì buồn hơn. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau.
 
- Tính sao đây Trung úy?
 
- Còn tính gì nữa. Phải làm thôi. Tụi mầy có dám chơi không?
 
- Trung úy mà dám thì tụi nầy đâu có sợ. Rồi xong. Không có gì phải bàn nữa.   
 
Chúng tôi dìu chị, trên tay vẫn bồng đứa bé, ngồi bẹp trên giữa sàn tàu, lưng dựa vào buồng máy. Dùng tạm dây cột hàng hóa quấn ngang người chị để phòng bất trắc. Một chút an toàn vẫn hơn. Thằng nhỏ thì chúng tôi cho ngồi trên bệ hệ thống vô tuyến, giữa hai ghế lái. Chỗ nầy tương đối an toàn và ít gió. Chúng tôi cất cánh bay về Cần Thơ. Hôm nay thời tiết xấu. Trời u ám và đầy hơi nước. Trần mây thấp. Mây đen bao phủ tứ bề. Chúng tôi không dám bay cao trên đám mây đen chỉ sợ chị và mấy đứa nhỏ chịu lạnh không thấu, nên phải bay thấp ở cao độ 300 bộ (300 ft). Từ Mộc Hóa chúng tôi lấy hướng về phi trường Cao Lãnh rồi từ Cao Lãnh bay về Cần Thơ. Đoạn đường bay về Cao Lãnh là đoạn đường đầy nguy hiểm và đầy trắc trở. Không biết bao giờ và bao nhiêu viên đạn bên dưới sẽ bắn lên chúng tôi. Nhưng rồi cũng đến Cao Lãnh bình an. Đoạn đường bay về Cần Thơ thì đỡ căng thẳng hơn. Để khuấy tan bầu không khí êm lặng trầm buồn, tôi mở đài phát thanh Cần Thơ mong những bản nhạc xuân sẽ đem lại một chút ấm áp trong lòng phi hành đoàn bốn đứa. Dĩ nhiên là chị không nghe được vì không có nón nghe và nhất là trong giây phút nầy chị làm gì còn lòng dạ để mà nghe.  Trời ơi! Tiếng hát Thái Thanh nghe sầu não làm sao!
 
Ngày mai đi nhận xác chồng.
Say đi để thấy mình không là mình!
Ngày mai đi nhận xác anh.
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ. (3)
 
Tôi quay lại nhìn Chị. Không! Không phải chị! Chồng chị chỉ bị thương nhẹ thôi mà. Chồng chị sẽ còn đó và cha của mấy đứa nhỏ vẫn còn đó. Chắc chắn phải như vậy…
 
Gần đến Cần Thơ, Trung úy Hùng nói với Trung sĩ Thoàn trong nón nghe:
 
- Anh còn vài ngàn tính để dành binh (xập xám) vui chơi ba ngày tết. Thoàn đưa cho chị dùm anh nhưng nhớ để khi nào dìu chị xuống mới đưa nghen.
 
Tôi hiểu ý anh. Anh sợ đưa lúc nầy thì chị từ chối, không nhận.
 
- Cho tôi ké với. Tôi nói. Rồi Thoàn, Phương cũng xin ké. Trung úy Hùng ra lịnh:
 
- Thiếu úy Thế ké thì được, còn Thoàn với Phương thì không. Lương lậu có bao nhiêu mà bày đặt nhiều chuyện. Đây là lịnh. Thi hành trước, khiếu nại sau.
 
Thành phố Cần Thơ dần dần hiện ra trước mắt. Con sông Hậu đục màu phù sa lượn khúc bên dưới. Quân y viện Phan Thanh Giản ở bên phải của con tàu - hướng ba giờ. Con tàu từ từ vào bãi đáp nơi có ký hiệu chữ H (4). Hai càng của chiếc trực thăng chạm nhẹ trên mặt sân xi măng thật êm. Trung sĩ Thoàn dìu chị xuống, đưa ra khỏi cơn gió lốc từ cánh quạt. Hạ sĩ Phương ẵm thằng nhỏ chạy theo sau. Rồi cả hai quay về lại con tàu, sau khi trung sĩ Thoàn trao cho chị một ít tiền giúp chi xoay xở trong những ngày sắp tới. Chị vẫn đứng yên. Một tay ẵm đứa bé, còn tay kia đắt thằng nhỏ, nhìn chúng tôi, cho đến khi chúng tôi cất cánh bay về căn cứ Bình Thủy cũng gần đó. Chúng tôi ai cũng mong chị được may mắn, gặp lại anh trong tình trạng không phải nguy hiểm đến tánh mạng. Cầu mong cho đứa con trai gặp lại cha và được cha ôm vào lòng trong vòng tay ấm áp. Cầu mong cho đứa bé sắp vào đời được trọn vẹn tình yêu thương cả cha lẫn mẹ. Cầu mong cả nhà xum họp, cùng chung hưởng một cái tết thật tràn trề hạnh phúc.
 
Vừa đặt con tàu vào ụ đậu thì thấy một chiếc xe jeep của phi đoàn trườn tới. Thiếu úy Thành, sĩ quan trực phi đoàn ra dấu cho cả bọn lên xe. Trung úy Hùng cao giọng hỏi:
 
- Có chuyện gì vậy, thiếu úy?
 
- Có gì đâu. Chạy ngang qua đây, thấy các anh vừa đáp xuống nên tiện đường chở các anh về phòng hành quân thôi.
 
Vậy là không có gì. Hú hồn. Tưởng cả bọn bị chở thẳng vào quân lao vì cái tội chở người không phi lịnh.
 
Năm ngày sau, phi đoàn tổ chức tiệt tất niên cho tất cả nhân viên phi hành và gia đình. Thiếu tá trưởng phòng hành quân gọi bốn đứa chúng tôi vào góc phòng nói nhỏ:
 
- Mấy anh làm gì trong  mấy ngày qua, tôi biết hết, cấp trên cũng biết nữa.
 
Trung úy Hùng vừa cười, vừa đáp:
 
- Cảm ơn Thiếu tá. Bọn tôi chỉ làm đúng theo một trong những điều tâm niệm của người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, giúp dân và bảo vệ dân mà thôi.
 
Chúng tôi cùng cười vang. Hy vọng ở một nơi nào đó gia đình chị cũng sẽ có những tiếng cười chứa chan hạnh phúc, cùng nhau đón tết trong đoàn tụ, ấm êm.
 
Phạm Văn Thế (MS2)
 
Chú Thích:
 
(1)  Lời từ Quân Lực VNCH Hành Khúc
 
(2)  Lời từ Không Quân Hành Khúc
 
(3)  Lời từ thơ Lý Thụy Ý - Phạm Duy phổ nhạc
 
(4)  H, dấu hiệu bãi đáp cho trực thăng