
Trong cuộc đời có nhiều việc xẩy ra hoàn toàn không thể nào cắt nghĩa được. Cũng như đa số các bạn, tôi chỉ biết gọi đó là số mạng, mặc dù tôi là một cá nhân thường tìm cách khoa học hóa những dữ kiện trong cuộc sống. Tôi viết lại để kỷ niệm một quãng đường tôi đã đi qua bao năm trước.
Chuyện đã gần 40 năm rồi nhưng tôi nhớ rất rõ như mới xẩy ra gần đây. Ngày đó tôi đang học năm đầu đại học về ngành chuyên viên cao đẳng Ngư Nghiệp ở trường Nông Lâm Súc (NLS) Bình Dương (BD). Vào giữa tháng tư năm 1975, tôi đang trong kỳ thi cuối năm thì người anh rể tôi lên BD gọi tôi về Sài Gòn gấp. Anh ấy (một giáo sư của NLS Bảo Lộc) vừa về đến Sài Gòn từ Bảo Lộc qua ngã Cam Ranh bằng tàu buôn vì con đường Định Quán - Madagui đã bị thất thủ. Tôi còn ngần ngừ không muốn đi vì chưa thi cử xong, vì đồ đạc còn ở nhà trọ dưới Búng, vì còn bao nhiêu việc tôi cần giải quyết ở trường,... nếu em còn chần chờ, rồi cầu Bình Triệu mất, là không còn đường về đó ...”.
Nghe tới đó, tôi biết mình phải đi ngay, càng mau càng tốt. Hai anh em ra đón xe đò ngay trước cửa trường. Tôi không kịp nói được một lời chia tay với bạn cùng lớp hay với người bạn gái học ở bên trường THĐ kế bên. Tôi còn nhớ là lúc đó tôi có cái cảm giác lạ lắm như là đây là lần cuối cùng nhìn thấy bạn bè và mái trường thân thương này … Chiếc xe đò bắt đầu lăn bánh sau khi đón 2 anh em tôi, và cảnh vật chung quanh tôi nhòa đi vì nước mắt tôi bắt đầu rơi.
Sau khi về đến Sài Gòn, tôi mới biết là Mẹ tôi đã lo cho 3 người em và 1 người chị của tôi sửa soạn đi Mỹ với ông cậu qua đường Tân Sơn Nhất (TSN). Hôm đó tôi và người anh rể chở 4 người sắp đi Mỹ lên 1 địa điểm gần phi trường TSN để chờ làm thủ tục. Trong 3 ngày kế tiếp, tôi phải lái xe Honda từ Khánh Hội lên vùng TSN để mang thêm giấy tờ, quần áo, đồ ăn, nước uống, thuốc men, … cho chị em tôi. Vì mỗi ngày tôi phải chạy đi và về nhiều lần, thêm nữa cái cảm giác bị bỏ rơi khi không đươc đi Mỹ, và rất buồn vì nhớ trường nhớ bạn, tôi mệt mỏi từ thể xác lẫn tinh thần. Giữa những chuyến đi và về từ TSN, tôi thường cố gắng ngủ để lấy lại sức, nhưng không ngủ được. Cơ thể tôi trở nên bạc nhược sau vài ngày trong trạng thái này. Đến ngày thứ tư thì ông cậu tôi quyết định không giúp 4 chị em tôi đi Mỹ nữa, và cậu đã thẳng tay đuổi 4 chị em tôi ra khỏi nơi chờ đợi. Ôi, lòng người thật khó lường. Đúng là “Thức khuya mới biết đêm dài, Ở lâu mới biết lòng người phải chăng”. Thế là tôi lại khăn gói quả mướp lái cái xe Honda lên đường đưa chị và 3 em tôi về lại Khánh Hội. Phải chở làm nhiều chuyến vì có tới 4 người và bao nhiêu hành trang. Ngày hôm đó tôi phờ râu luôn trong tình trạng kiệt quệ của cơ thể. Chiều hôm đó, quá mệt mỏi tôi thiếp đi lúc nào không hay vì bình thường tôi rất khó ngủ. Trong giấc ngủ, tôi thấy tôi đang nằm nghỉ trên một đồi cỏ xanh mướt. Đây là loại cỏ mà tôi rất ít thấy ở VN. Gió mát lắm làm tôi ngủ gà ngủ gật trên đồi cỏ này.
Phía sau tôi ở trên đồi là cái nhà có cánh cửa màu thật trắng có khung thủy tinh trong cánh cửa. Những bậc xi măng là đường đi duy nhất lên đồi. Sân cỏ trước nhà hình chữ nhật bằng phẳng và khá rộng, và các em tôi đang nô đùa với con nít hàng xóm trên sân này. Trong cơn mơ, tôi biết là tôi ở Mỹ, và không hiểu tại sao tôi lại biết căn nhà đó là nhà của ông bà B (người bạn Hải Quân Mỹ mà tôi quen ở VN), trong khi ông bà ta chưa bao giờ cho tôi xem hình hay kể chuyện gì về căn nhà. Rồi tôi thấy mình ngủ thiếp đi… Đến khi tôi thức dậy, tôi thật là vui sướng, nhưng khi nhìn chung quanh và nhận thấy mình còn ở VN, tôi thất vọng và tiếc nuối vô cùng. Thì ra những gì tôi thấy chỉ là giấc chiêm bao.
Sau đó mỗi khi tôi nhìn thấy chiếc phi cơ vận tải (phụ chú #1) bay trên bầu trời chở người di tản ra khỏi Sài Gòn, tôi ước ao là tôi được ngồi trong máy bay đó. Gia đình tôi bắt đầu lo sợ cho môt tương lai tối tăm sắp đến… Vài hôm sau thì phi trường TSN bị dội bom, thành ra phi cơ không bay ra được. Những người làm sở Mỹ thì xếp hàng trước tòa Đại Sứ rất dài làm giấy tờ xuất ngoại. Những người lính Hải Quân thì đưa gia đình vảo Hải Quân Công Xưởng để di tản. Những người lính Không Quân thì bay trực thăng qua căn cứ U-Tapao ở Thái Lan. Gia đình tôi không có đường nào để đi. Khung cảnh lúc đó thật tuyệt vọng và não nề. Tôi có cảm tưởng như là mình đang ngồi trên pháp trường chờ người đao phủ tới vì lịch sử đã lập lại điều này quá nhiều lần. Tôi không phải là người đang mơ ngủ mà không biết được những dữ kiện lịch sử tàn ác và vô nhân đạo này (phụ chú #2). Vâng, phải nói thật với các bạn, tôi rất sợ, và sợ một cách thật kinh khủng đến nỗi mà có lúc tôi đã nghĩ tới việc kết liễu cuộc đời mình để khỏi phải chịu đựng những ngày sắp đến ... Đến sáng ngày 29 tháng Tư, thì lại bị giới nghiêm 24/24. “Thôi, cái ngày ấy đã đến”, tôi tự nhủ như vậy. Cái ngày định mệnh đã đến, cái ngày mà sự tang tóc dường như bao trùm cả bầu không khí Sài Gòn ...
_________________________________________________________________
(1) Máy bay vận tải C-130 - máy bay này rất lớn và bay thật chậm.
(2) Hàng triệu người vô tội bị giết bởi các lãnh tụ CS khi họ lên nắm chính quyền. Hãy nhìn hành động của Joseph Stalinở Nga, Mao Zedong (Mao Trạch Đông) ở Trung Hoa, Fidel Castro ở Cu Ba, Pol Pot ở Kampuchia, ... Năm 1975, ai có thể bảo đảm là CSVN sẽ không đi vào con đường chém giết đó? Bây giờ gần 40 năm sau, lịch sử đã có câu trả lời.
Một việc mà gia đình tôi chưa và không bao giờ có thể ngờ được là ngay trước cửa nhà tôi ở cuối đường Hoàng Diệu gần bến Thương Khẩu lại là một nơi di tản mới, môt nơi mà bao nhiêu xà lan của chính phủ Hoa Kỳ đã đón người tị nạn như ngày nào họ đã đón người Bắc di cư ở vịnh Hạ Long năm 1954. Gia đình tôi xuống xà lan rời Sài Gòn 16 giờ đồng hồ trước khi Sài Gòn thất thủ. Cũng ngày hôm đó, tại Bến Thương Khẩu, mấy ngàn người di tản bằng cách xuống xà lan như tôi (xem hinh #1). Trong lúc lênh đênh trên sông SG, nghe nói là kho đạn ở Long Thành bị nổ, và đến đêm hôm đó, bồn dự trữ xăng ở Nhà Bè bị cháy sáng rực một góc trời. Cảnh SG trong giờ hấp hối đang ở sau lưng tôi. Sài Gòn ơi, vĩnh biệt !!!
Trong vài ngày kế đến, chúng tôi lênh đênh trên đại dương. Đến ngày 3 tháng 5, thì chúng tôi thấy bao nhiêu là chiến hạm thuôc Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ đang chờ đợi ở hải phận Quốc Tế, và họ đã đến cứu chúng tôi. Đến thời điểm này, tôi biết là tôi sẽ sống, và cuộc đời tôi sẽ thay đổi lớn từ đây... Vì hàng không mẫu hạm của Đệ Thất Hạm Đội không thể chứa tất cả, bao nhiêu máy bay bị vứt xuống biển để có chỗ cho máy bay chở người tị nạn đáp (xem hình #2). Đó là 1 hình ảnh nhân đạo đầy ắp tình người mà tôi không thể quên. Chúng tôi thì được chuyển lên 1 tàu buôn để đưa đến một căn cứ Hải Quân Mỹ ở vịnh Subic thuộc Phi Luật Tân. Khi đến được vịnh Subic, tàu chở chúng tôi không được lệnh cặp bến vì căn cứ quân sự này đang bị ứ đọng với bao nhiêu người tị nạn VN. Rồi sau đó, 1 tàu khác lớn hơn đưa chúng tôi đến đảo Guam và đảo Wake, hai căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Chúng tôi ở đảo Guam khoảng 2 tháng để chờ đi định cư. Lúc ấy, các trại tị nạn như Fort Eglin ở Florida, Camp Pendleton ở California, và Fort Chaffee ở Arkansas đã bắt đầu giới hạn thu nhận số người tị nạn. Do đó chính phủ Hoa Kỳ chuyển gia đình tôi về trại tỵ nạn Fort Indiantown Gap mới mở ở tiểu bang Pennsylvania bên miền đông nước Mỹ. Chuyến bay từ Guam về lục địa Mỹ mất bao nhiêu giờ đồng hồ. Dừng lại để lấy nhiên liệu tại Honolulu (Hawaii) và dừng lại ở San Francisco trước khi bay đến Philadelphia. Xe buýt đón chúng tôi ở đó và di chuyển thêm 3 giờ đồng hồ nữa mới đến trại Fort Indiantown Gap (xem hình #3) trong 1 buổi sáng sương mù đầy đặc.
Ở trại tị nạn này hơn 2 tuần, thì ông bà B (người bạn Mỹ mà tôi quen ở VN) đến đưa chúng tôi về Springfield, Virginia, cách trại tị nạn khoảng 400 km (250 miles) để định cư. Khi xe về đến nhà của ông bà, tôi giật bắn người vì cái nhà của họ nằm trên đồi với cánh cửa màu thật trắng với khung thủy tinh trong cánh cửa, những bậc xi măng đi lên đồi, cái sân cỏ trước nhà rộng rãi hình chữ nhật và đồi cỏ xanh mượt bên dưới chính là những hình ảnh mà tôi đã thấy trong giấc chiêm bao bốn tháng trước khi còn ở VN (xem hình #4). Tôi run lên vì sợ. Tôi sợ là những gì tôi đang thấy không phải là sự thật mà chỉ là giấc chiêm bao. Tôi sợ là khi tôi thức giấc, tôi lại thấy mình đang ở VN. Tôi không muốn đây là giấc mơ. Không. Không. Tôi muốn đây là sự thật…
Bây giờ mỗi khi nghĩ đến tôi vẫn không hiểu tại sao tôi có giấc chiêm bao kỳ lạ đó. Tại sao lại có sự trùng hợp giữa giấc chiêm bao và sự thật ngoài đời như vậy? Hay là Thượng Đế đã ban cho tôi giấc chiêm bao kỳ diệu này để tạm thời xoa dịu nỗi đau tinh thần của tôi lúc ấy và đồng thời gián tiếp cho tôi niềm hy vọng một tương lai tươi sáng hơn?
Qua quá trình di tản này, với những gì tôi chứng kiến bằng mắt thấy và tai nghe, và những cảm nhận sâu xa tận đáy lòng, tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi không thể ngờ rằng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ lại lớn và hùng mạnh như thế với bao nhiêu nhân lực, máy bay, chiến hạm, hàng không mẫu hạm, máy điện toán, căn cứ quân sự và tiếp liệu, … khắp nơi bên ngoài lục địa Mỹ Châu. Thêm vào đó một điều rất quan trọng là đã có biết bao nhiêu con tim và bàn tay nhân ái của người dân Hoa Kỳ đã rộng mở để đón lấy chúng tôi. Thưa Thượng Đế, GIẤC CHIÊM BAO của con lại đúng với sự thật, và sự thật đã làm cho GIẤC MƠ được sống ở một xứ tự do của con thành hình và thăng hoa. Cám ơn Ngài. Ngài đã cho con nhiều hơn là những gì con mong muốn. Con sẽ cố gắng sống thật tốt để phục vụ và đền ơn những người và quốc gia đã cưu mang con.
Nguyễn Bá Hùng.
Một ngày mùa đông ở Seattle năm 2015
Hình 1. Xà lan chở người di tản. Xà lan di chuyển bởi 1 tàu kéo phía trước (không có trong hình). Tàu kéo rất nhỏ so với kích thước của xà lan. Tàu kéo nối với xà lan bằng 1 dây cable thật lớn và dài khoảng 100 m
Hình 2. Máy bay bị đẩy xuống biển để có chỗ cho máy bay chở người Viêt tị nạn đáp.
Hình 3. Trại Fort Indiantown Gap ở tiểu bang Pennsylvania, nơi đã cưu mang hàng ngàn người Việt tị nạn trong đó có gia đình tôi.
Hình 4. Căn nhà trong giấc chiêm bao.