alt{jcomments on}Tôi không hiểu vì duyên nợ kiếp nào với xứ Búng, và trường Trung học NLS Bình-Dương...!? Vậy mà, tôi đã gắn bó với nó suốt mấy năm liền?

Một hôm, ba tôi bảo: ”Tuần sau, con thu xếp, ôn tập lại bài vở để thi vào lớp đệ Tam(lớp10) trường trung học NLS Bình Dương”. Quả tình, lúc đó tôi cũng chẳng biết phải ôn tập như thế nào? Này nhé, tôi đang học lớp đệ Tứ( lớp 9) ở trường trung học công lập nam Nguyễn Trãi bên kho năm Khánh Hội. Bạn bè học cùng lớp, cùng trường rất đông, vui, nhất là đang quen thân với một cô bạn gái “Bắc-kỳ nho-nhỏ”. Chúng tôi quen nhau, khi cùng học chung lớp hè, bổ túc thêm Toán, Lý, Hóa ở  trường tư thục Nguyễn Khuyến gần công viên Tao-đàn. Chiều-chiều khi tan học, cùng tản bộ với nhau một quãng đường để rồi ai về nhà nấy!. Cô ấy học bên trung học công lập nữ Gia Long! Tình yêu đầu đời đang vừa chớm nở !!! Ôi có niềm vui, hạnh phúc nào sánh bằng? Thế mà…Ông già tôi bảo vậy…tôi phải nghe lời bố thôi !? Giã từ cô bé học trò nho nhỏ, khăn gói, lều chõng lên đường, rời xa kinh-thành ánh-sáng với những “phố-đêm” muôn màu, đi về miền quê xa lạ.

 
Tôi không nhớ rõ chi tiết, kỳ thi ấy gồm có các môn gì? Các hệ số điểm của từng môn thi phổ thông như: Toán, Lý, Hóa, Vạn vật, Việt văn, Sinh ngữ, Công dân giáo dục…ra sao? Nhưng vì là trường trung học Kỹ Thuật nên những bộ môn thuộc về chuyên ngành như: Mục-súc, Canh-nông, Thủy-Lâm hay Công-Thôn đều…có hệ số điểm cao gấp 3, gấp 4 lần các môn thi phổ thông khác. Sức học của tôi, nói chung, thuộc loại trung-bình , nếu không muốn nói mình học “Dốt”, vì thì giờ còn để rong chơi, đàn-đúm với bạn bè nữa chớ…Cũng may, tôi khá khéo tay, khéo chân, biết xử dụng kềm, dao, búa, kéo(khi xưa ưa đi đánh lộn, đánh lạo) và có “năng-khiếu” về “máy-móc” nên…suy đi, tính lại, tôi chọn thi ngành Công Thôn. (tử-vi tôi mang số “thân-Lừa-ưa-Nặng”!). Chắc chắn “Chó ngáp phải Ruồi” , nên hôm lên xem kết quả thi, tôi “Đậu”! Người ta vui ra sao? Tôi không biết? Chứ “lòng” tôi lúc đó; dững-dưng lắm! Vừa lo vì trường lớp xa-xôi, cách-trở, biết ăn ở nơi đâu, vừa sợ cô bạn gái sẽ “xa mặt cách lòng..!?” Cái chuyện tình yêu ban đầu nó “lẩm-cẩm” vậy đó. Thôi đành liều mạng “dzậy”!
 
Trở lại xứ Búng, Lái-Thiêu, Bình-Dương và ngôi trường tôi sắp học. Qua sự giới thiệu của một người bạn mới quen, tôi đến gặp dì Hai, nhà ở gần cầu bà Hai, xin ở trọ và ăn cơm tháng ở đó. Vì không còn chỗ nào trống, dì biểu tôi đại-khái: “ngồi đợi đó đi, một lát, bà ngoại Bảy sẽ qua ăn cơm, mày hỏi bả, coi, còn chỗ nào trống…mà ở”, nói rồi dì lại quay đi, lay-hoay với công việc của dì. Người dân quê miền Nam, đa phần họ sống rất thẳng tánh, không khách sáo, rào trước, đón sau …như dân Bắc-kỳ chúng tôi.
 
Khu nhà dì Hai ở, khá rộng rãi, bao bọc chung quanh là những bụi cây lác-đác hoa và những cây cau, cây dừa cao-vút, tạo cho tôi một cảm-giác vừa bỡ-ngỡ, vừa dễ chịu. Một lát sau, một bà lão, tướng đi đứng trông còn lanh lẹ, khỏe mạnh, đi đến giữa cái sân rộng, có khoảng chừng bốn, năm bộ bàn ghế, sắp-xếp xen kẽ với những chậu cây kiểng. Sau khi đợi bà Bảy cơm nước xong-xuôi, tôi tiến lại gần, khẽ cúi đầu chào bà, bà liếc mắt nhìn tôi,miệng còn đang nhai trầu ỏn-ẻn và tay đang xỉa thuốc rê qua, rê lại. Có lẽ bà đã được báo trước, nên khi thấy tôi ngập-ngừng, còn đang ”ấp-úng” chưa biết phải mở đầu câu chuyện như thế nào? (đây là lần đầu tiên trong đời, tôi phải lo chuyện “sống xa nhà”một mình, dù chưa phải kiếm “miếng cơm manh áo”,vẫn còn có bố mẹ cho tiền ăn học!). Bà nói ngay: ”Mày muốn kiếm chỗ ở? Một chút, theo “taao dzìa”… Tôi không rõ đó là “có” hay “không”, nhưng cũng gật-gật cái đầu lia-lịa, dạ ..dạ …sau này, tôi mới biết, bà thường ngồi nán lại để chơi với con cháu, hoặc tán dóc, ăn trầu hay tụ họp nhau, đánh bài tứ sắc với mấy bà già bạn, những hôm có cuộc “tụ-chến”đó, bà hay ở lại, tới khuya.
 
Đó buổi ban đầu gặp gỡ, người dân xứ Búng là thế, mộc-mạc, đơn-giản và dễ -dãi, tôi thật lúng túng vì từ nhỏ bé tới giờ, ít khi tiếp xúc với người quê miền Nam, với lại đa số bạn bè và những người lớn tuổi quen biết bố mẹ tôi, toàn là người gốc Bắc kỳ di cư (54), tôi rành rẽ cách “nịnh” họ, còn giờ đây, chẳng biết phải ăn nói làm sao, để “lấy lòng”, lấy cảm tình, nên im lặng, sợ ăn nói “hố” thì hỏng việc.
 
Căn nhà của bà Bảy là một căn nhà gạch khá to, quét vôi màu trắng đục, chung quanh có tường rào xi-măng bao bọc khá cao, nằm ngay cạnh quốc lộ 13 cũ, tôi còn nhớ, đã đi bộ theo sau chân bà Bảy về từ cầu Bà-Hai , ngang qua mặt trước nhà lồng chợ Búng và phố xá của nó, rồi qua một, hai tiệm bán tạp hóa, có đặt mấy cái bàn bida phía trước cửa,  rồi mới đến nhà bà.Trước nhà có một cái cổng nhỏ nằm ngay chính giữa bề ngang khoảng một thước tây, bên kia đường, xéo về phía phải, là cuộc cảnh-sát, che chắn bằng một cái cổng sắt cao, dài và một cái lô-cốt to-tướng, bự đùng, còn sát cạnh phải nhà bà Bảy, là một  tiệm bán hủ-tíu, của người Tàu, khách hàng ra vô, khá tấp nập. Ừ,.ưc… tự dưng viết đến đây, sao thèm có tô hủ-tíu này quá xá, nhất là mấy cái tóp mỡ chiên dòn béo ngậy, sốp-sốp còn mỡ bên trong, rồi mùi hẹ, hành sấy khô rắc lên trên mặt tô, lấp-lánh.nào tôm, nào thịt với nước lèo bốc-khói… Ngày đó, hằng tuần mẹ tôi có cho ít tiền dằn túi để tiêu vặt, nhưng sẽ không đủ nếu cứ ăn sáng bằng hủ-tíu, hay cà-phê, thuốc-lá, rủng-rỉnh mỗi ngày.
 
Tôi được cái may mắn, không phải ở trong căn nhà gạch chính, tọa lạc nơi phía phải của miếng đất nhà bà, nằm sát cạnh cái tiệm hủ tiếu “thèm nhỏ dãi” ấy, bằng cái hàng rào gạch. Lúc vào trong sân, bà Bảy chỉ tôi vào một căn nhà lá nhỏ, cất riêng-rẽ nằm hẳn ra bên ngoài, sau lưng nó là một khoảng sân nhỏ có tráng xi-măng, bao chung quanh một cái giếng nước, vừa làm nơi tắm gội, vừa để giặt rũ và phơi quần áo, bên hông trái căn nhà chính, trong khoảng sân rộng, có một cây soài tượng lớn và hai cây mận nhỏ hơn đầy trái chín, căn nhà lá ấy vừa đủ chỗ cho bốn anh học trò trọ học, mỗi anh ở một góc, vì dọn vào sau chót, nên tôi được ở góc phía ngoài cùng, gần chỗ cửa ra vào, rất thuận tiện cho việc “đi sớm về khuya” của mình mà không phiền hà gì tới anh em, chỗ đó lại là chỗ thông thoáng, người từ bên trong căn nhà chính, có thể nhìn ra chỗ tôi ở rất rõ ràng, qua cái cửa sổ hông của phòng khách và tôi cũng có thể nhìn thấy người ở bên trong, hay những người đi qua lại ngoài quốc lộ.
 
Chính nơi đây, vào những ngày đầu niên-học mới, chiều-chiều sau khi đã cơm nước xong xuôi, khi các anh em cùng trường đã bắt đầu nghỉ ngơi hay sửa soạn bài vở, tôi thường hay ra đứng lóng-ngóng ngoài cái cổng nhỏ đó, vẩn-vơ nhìn ngắm thiên-hạ qua lại, lòng buồn-buồn vì nhớ nhà, nhớ bạn bè cũ, nhớ phố phường nhộn nhịp và cả cô bé Bắc Kỳ nho-nhỏ biết bao, cho đến khi bà Bảy về (tôi ăn cơm trước và về nhà trước) rồi, tôi mới quay trở vào nhà trọ. Vài lần đầu, bà không để ý, sau bà nói:” Sao mày không xách cái ghế ra ngồi, đứng vậy thấy kỳ-cục quá”, Chắc bả nghĩ tôi “điên”,.. ai đời, đứng chơi, hóng gió và “ngắm gái”, ai lại ngồi trên ghế! Thôi đi bà ngoại, ngồi ghế lỡ gặp “người-đẹp Bình-Dương” đi qua, không lẽ vác ghế chạy theo tán-tỉnh?. Vài tháng sau, tôi quen lần hồi cách nói chuyện, cách chào hỏi, cách xã giao của người dân nơi đây, và bắt đầu trổ-mòi, phá-phách,nghịch-ngợm, tôi không còn đứng ngoài cổng nhà “mơ-mộng” nữa, bắt đầu lân-la qua tiệm tạp-hóa có những bàn bida đông, vui bên cạnh, bắt đầu phì phèo điếu thuốc-lá, biết dăm ba câu chửi thề Đan-Mạch (theo kiểu giọng Nam, để… nhấn mạnh câu văn), biết “thục” Bida từ thủa đó…vắn tắt là được tự do bay nhảy….
 
Tôi ở trọ trong nhà bà Bảy suốt một năm lớp mười, những ngày tháng đó đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm êm đềm của thủa học trò ngây- thơ, trong-trắng .Bây giờ ngồi đây, lục lọi trong ký-ức rời rạc của mình, tôi cũng chẳng biết phải diễn tả làm sao cho nó mạch lạc! Nếu ngày xưa, không vì chung tình với cô bạn gái cũ ở Sài-gòn, tôi dám đã có người yêu mới ở nơi xứ Búng xa xôi và cuộc đời tôi đã quẹo qua một ngõ khác chăng? Một điều chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ quên cái nơi chốn ấy, dù rằng tất cả đã đổi thay. Ôi! xứ Búng của tôi, với những sáng, trưa theo từng đám học trò cùng lứa, áo trắng, áo nâu rảo bước trên con quốc lộ 13 cũ đi-đi, về-về, những buổi chiều tan học, chưa chịu về nhà ngay, còn thơ thẩn lang thang ,trong những làng rẫy chung quanh trường mà lòng rất ư là thanh thản, chưa phải lo toan một chuyện gì. Những đêm mưa rả-rích suốt trên mái lá, nằm quấn mình, co rút trong cái chăn (mền) mỏng thật ấm cúng, nghe tiếng mưa rơi rồi thiếp đi lúc nào, không biết. Những ngày Chủ-Nhật ở lại, không về Sai-gòn, tôi hay đi “xem lễ” ở nhà thờ Búng. Ngày ấy cô nào, cô nấy “Diện” lên trông rất xinh-đẹp, mỹ-miều, tôi còn nhớ dì Hai có một cô con gái trạc tuổi tôi, học bên trung-học Trịnh-hoài-Đức, tôi cũng hay gặp đi lễ ở nhà thờ, nhưng chưa lần nào tôi đã nói chuyện, một cách thân quen.
 
Bà Bảy có nếp sống cổ xưa, khá nghiêm-túc, mẫu-mực, cũng có thể vì đám “quỷ ma” học trò ở trọ, bà phải làm mặt “nghiêm” để tụi nó không dám “giỡn mặt” chăng? Bà ở riêng một mình trên căn phòng phía trước, còn phía sau mới cho bọn học trò chúng tôi trọ học, cái bếp ở phía sau cùng nhà bà, ít khi nào tôi thấy bà nấu nướng. À, nhà bà Bảy không có sân sau, phía sau lưng nhà ,là hông của một cái“rạp hát”, vào những kỳ nào có gánh hát ở đâu kéo về diễn tuồng, thì không khí chung quanh chợ Búng rất tưng-bừng, náo-nhiệt. Bắt đầu từ buổi trưa, ở bên này tôi đã nghe tiếng trống nhạc, đờn ca, tập dợt xập-xình, phần lớn là họ tập tuồng cải-lương cho màn diễn vào buổi tối… cả năm trời ở kế bên đó, tôi chưa một lần ghé lại xem, có lẽ, tôi không mê cải lương lắm…
 
Nói đến chợ Búng vào cái thời xa xưa đó(Đầu thập niên 1970) ta phải nhắc đến cái quán cơm Xã-Hội mà phần lớn phục-vụ cho đám học trò nghèo như chúng tôi, vào buổi trưa và buổi chiều, với giá các món ăn thật rẻ, còn cơm thì do bộ Xã-Hội tỉnh cung cấp cho ăn miễn phí, nên tha hồ “súc” ăn thoải-mái, đến quán bánh bèo bì Mỹ-Liên, Ngọc-Hương không chỉ riêng bán bánh bèo mà còn có thêm mục bán”bia-bọt “và “mồi” để nhậu-nhẹt và có mấy cô “chiêu-đãi-viên” trẻ-trung, phục-vụ nữa, vì thế quán lúc nào cũng đông khách, mà đa số khách là lính tráng,trận mạc, không biết ở đâu xa xôi lắm (chợ Búng khá an-ninh) kéo về? Súng ,đạn lỏng-chỏng, xe cộ (jeep) đậu đầy kín? Thậm-chí, có chiếc bùn sình, đất đỏ còn bám đầy, lại thêm hai ba cái ăn ten nhô lên, cao lĩa-chĩa, lần nào, có dịp đi ngang qua đó tôi luôn hồi-hộp, đề phòng, chỉ sợ  “người anh em” thừa-cơ “đặt mìn nổ chậm” thì chết oan mạng! Ấy vậy, chuyện ấy lại không xảy ra! Một hôm,vào khoảng xế chiều, đang ngồi ôn bài cho kỳ thi cuối “lục-cá-nguyệt”, thì nghe một loạt súng nổ liên-thanh dòn-dã, sau đó lại nghe tiếp một tràng đạn nữa, nhưng lần này, từng tiếng một, rồi im bặt! Sau một chút yên lặng, cả phố chợ bỗng nhốn-nháo cả lên, thì ra có ba người lính bị bắn chết còn ngồi gục trên mặt bàn, giữa đống chai-lọ, bàn ghế bừa bộn, ngổn-ngang. Nghe nói họ giết nhau vì tư thù cá nhân hay vì người đẹp...!? Hung thủ sau đó ung-dung tay còn cầm khẩu M16 từ tốn đi qua cây cầu gỗ bắc ngang sông Búng, rồi mất hút trong xóm nhà bên kia sông, mà không gặp một sự truy cản nào, dù đã gây án mạng, giết ba mạng người.
 
Xin lỗi, tôi lại liên-tưởng và “méo-mó” với chuyện “ngày xưa”. Những người bạn học củ một thời, đã sinh ra và lớn lên trong “Quê-hương, mịt-mùng khói-lửa”, một thời từng đi học và … ở trọ … Bây giờ  trong số họ, nếu trẻ lắm cũng là những ông già trên, dưới sáu-mươi, cũng đã “lên chức” ông Nội , ông Ngoại như bao ông già khác trên thế gian này, chỉ khác là trong nỗi sâu thăm-thẳm, tận-đáy-lòng, cảm-xúc của họ, có còn chút gì những kỷ-niệm của một thời ÁO-NÂU ngày-xưa-ấy và một thời ở trọ...!?  Nếu ví cuộc đời là những quán trọ và những người ở trọ là khách qua đường hay những đứa học trò như chúng tôi, gặp được chủ nhà tốt bụng như Dì-Hai, Bà-Ngoại-Bảy, coi chúng tôi như con-cháu-trong-nhà, thật là diễm-phúc. Ngược lại, thì đó là sự bất hạnh.
 
Hơn 20 năm sống nơi đất-khách quê-người, mang thân Ở-TRỌ, lòng tôi lúc nào cũng nhớ tới Thầy–Cô, bạn-bè ngày-xưa-ấy, nhớ tới ngôi trường Nông-Lâm-Súc Bình-Dương đã cho tôi nhiều kỷ-niệm của một thời Áo-Nâu Ở-Trọ.
 
“Xin thời gian hãy trả tôi về những kỷ niệm ấu thơ…”
 
Merry Christmas and Happy New year 2015
 
Trần đình Thảo, CT khóa 3/NLSBD.