
Vài lời giới thiệu...
Khoảng trước Tết Canh Tý năm nay, Trang Nhà NLSBDHN nhận được thư của Cô Nguyễn Thị Thu đính kèm một sáng tác và lời nhắn nhủ nếu thuận tiện thì chia sẻ trên Trang nhà. Phải nói đây là một bài viết có khả năng lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Bài viết về câu chuyện vượt biên vất vả của Cô và gia đình với những tình tiết éo le, trung thực cùng những suy luận tinh tế, sâu sắc. Đây là câu chuyện mà qua đó hầu hết những ai trải qua giai đoạn lửa bỏng dầu sôi sau 1975 sẽ phản ảnh được phần nào những thử thách, đắng cay của buổi giao thời. Câu chuyện kết thúc rất có hậu, nâng cao niềm hy vọng ở tình người và ở định mệnh đặt để từ đấng tối cao. Cuối câu chuyện, Cô có tâm sự trong một đoạn văn ngắn về chiếc áo của Mẹ mà Cô mang theo lúc vượt biên. Kỷ vật đó nay đã được lưu giữ ở một nơi xứng đáng...
Ban Biên Tập chúng em rất cảm ơn Cô đã cho chúng em vinh hạnh thưởng thức sáng tác tuyệt vời này.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý bạn đồng môn và quý thân hữu của Trang Nhà NLSBDHN.
Thời gian trôi vùn vụt. Tháng năm chồng chất tháng năm. Tuổi đời chồng chất tuổi đời. Thoáng cái tôi đã vượt qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mà ở vào tuổi đôi mươi sẽ không ai nghĩ tới, hoặc đắn đo, thắc mắc tự hỏi con đường mình đi đến đó như thế nào? Sẽ gặp bao nhiêu chông gai, bao nhiêu gian truân, trắc trở? Sẽ sống lâu bao tuổi? Bây giờ nhìn lại mới thấy rằng chẳng ai đoán trước hoặc tính toán mọi sự theo ý muốn của mình cho tương lai được cả. Mọi việc dường như đã được viết ra chi tiết từng diễn biến, vẽ sẵn mô hình từ lúc khởi đầu đời cho đến khi kết thúc, sắp đặt sẵn sàng theo thứ tự lớp lang rồi ghi lên sổ sách như một vở bi hài kịch, cứ đến ngày giờ là sẽ tuần tự xảy ra như đã dự định trước vậy. Dẫu mình có tính toán tài giỏi cách nào thì tính một đường nó cũng ra một nẻo khác mà thôi. Nói thế không có nghĩa là cứ nhắm mắt đưa chân, mặc cho con tạo xoay vần. Nhưng nhẩm lại, đường dài cuối đời có mấy chuyện do người tính? Có mấy chuyện người tính không bằng trời tính? Chuyện sống chết nay mai chưa biết ra sao nói chi đến chuyện có thể ì ạch leo lên đến hàng bảy mươi ngồi chễm chệ trên đó cách nửa vòng trái đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cứ xem chuyện đi vượt biển làm điển hình, rõ ràng nó giống như con người mò mẫm đi trong đêm tối của định mệnh, như đem đánh cuộc sự sống còn với tử thần vậy. Một sự “cá cược” cuối cùng bằng sinh mệnh của con người!
Tuổi càng cao, trí nhớ càng mai một, quên đầu quên đuôi, quên trước quên sau. Thế nhưng có những chuyện xảy ra, những cảm giác xúc động vào thời điểm nào đó, hoặc những vật dụng liên hệ đến ta mà suốt đời không quên được, không phôi pha. Và một trong những chuyện, những kỷ niệm tôi luôn nhớ như in trong đầu là những lần đi vượt biên cùng chiếc áo cũ kỹ, quê mùa của mẹ tôi đã khoác lên mình, để giả làm người buôn bán hàng chui, đeo xe đò từ Sài gòn tới lui các tỉnh ven biển để móc nối tìm đường vượt biên.
Ngày ấy tôi đen đủi và ốm yếu nên cũng chẳng gây được sự chú ý đáng kể của mọi người. Vì thế mà suốt mấy năm trường tôi cứ như con thoi lên xuống Sài Gòn, Rạch giá, Hà Tiên, có khi Vũng Tàu, Bà Rịa. Mẹ tôi đã lấy bộ quần áo cũ của bà may thêm túi hò túi xê vào phía bên trong quần để tôi dấu diếm tiền bạc hay vàng thẻ. Còn chiếc áo làm vườn màu nâu già của mẹ tôi mặc lên mình thì cứ trông như cô gái lọ lem vậy. Thế là sau những lần vượt biên thất bại tôi lại an toàn trở về nhà mà không bị xóm ngõ hay công an phường nghi ngờ gì cả. Thậm chí lần vượt biên từ Kiên Lương, Hà Tiên bị lộ tẩy và bị bắt tù sáu tháng ở U Minh Thượng, thuộc tỉnh Cà Mâu, ra tù về lại Sài Gòn tôi vẫn bình yên vì công an khu xóm không hay biết gì.
Quê tôi xa tít mãi tận Hà Tiên, một mõm đất cuối trời Tây Nam ven bờ vịnh Thái Lan, góc cùng của đất nước Việt Nam, có sông núi hữu tình, có biển cả mênh mông bàng bạc ánh trăng lấp lánh, lung linh vào mỗi đêm rằm. Mấy năm trước, chị Huê - chị thứ Ba - và tôi làm việc tại Sài Gòn, các cậu em tôi đi học ở Cần Thơ. Mẹ tôi lên Cần Thơ ở để lo chăm sóc chúng. Bố tôi làm công chức cho sở Công Chánh tại Hà Tiên, rồi đổi sang tỉnh Kiên Giang, cuối tuần ông thường chạy lên Cần Thơ thăm vợ con. Cuộc sống bình lặng trôi qua cho đến sau tháng Tư năm 75 một thời gian thì tất cả các em tôi cùng nhập hết về Sài Gòn. Chỉ còn Chung ở lại theo học Đại Học Nông Nghiêp Cần Thơ. Bố mẹ tôi trở về căn nhà cũ ở Hà Tiên. Mục đích của ông bà là cố tình ở gần biển để tiện bề móc nối cho con cái đi vượt biên. Có đám ghe thuyền nào rục rịch tổ chức bố tôi đều quyết tâm thăm dò, liên lạc, thương lượng giá cả v..v... Một việc vô cùng khó khăn và nguy hiểm mà nếu không khéo léo hay không may bị bại lộ thì bị mất hết nhà cửa, bị bắt, bị đánh đập tra khảo cho lòi tiền, cho ra vàng, ra manh mối và bị tù tội rất nặng. Cứ nghĩ đến cảnh bố tôi đã cao tuổi đời, lại ốm yếu, mảnh khảnh mà lỡ phải bị bắt, bị hành hạ, bị tù tội...trong ruột tôi cứ xót xa như bị xát muối.
Bố tôi không có sức lực nhiều, nhưng ông có tình thương con cùng lòng can đảm vượt bực, ý chí kiên cường, sự thông minh và quyết tâm tìm mọi cách để đem con cái ra khỏi nước. Vì ông hiểu rất rõ là không thể sống trong xã hội chủ nghĩa được. Thế nên ông luôn cố gắng hết mình để thương lượng giá cả, số người và tìm giao kèo qua trung gian tin cậy để gửi con cái đi. Đến khi có sự thỏa thuận xong thì bố nhắn tôi về chồng tiền hoặc mang các em đến địa điểm phát hành để tham dự chuyến đi. Sự ngã giá bằng vàng, hay tiền mặt rất gian nan và bấp bênh, chủ tàu nào cũng muốn lấy tiền cao và đòi trả trước. Thường khi bị lừa gạt và mất mát rất dễ dàng.
Tội nghiệp bố tôi, nhà đông con, đứa nào ông cũng muốn gửi đi mà tiền bạc do chị cả Nguyệt, em Tân, sau có thêm Chung và Phương hổ trợ từ Mỹ gửi về dạo ấy hạn hẹp và khó khăn vô cùng. Phải tìm mọi cách khéo léo để dấu diếm tiền, thường là giấy 100 đô la Mỹ được các em tôi cuộn tròn rồi nhét vào giữa cục xà bông, ống kem đánh răng, phong kẹo chocolat..v...v… rồi lấp kín lại sao cho không để tì vết đáng nghi ngờ. Xong bỏ tất cả bỏ vào thùng lớn với nhiều hộp bánh kẹo, vải vóc, vật tiêu dùng và thuốc men để đánh lạc hướng. Lúc chưa được phép liên lạc về Việt Nam, em tôi phải gửi những thùng quà này sang Pháp rất tốn kém, sau đó nhờ cậu sáu Viên đang ở Paris chuyển về dùm. Sau khi có liên lạc được rồi thì gửi trực tiếp. Nhưng cũng có nhiều chuyến bị phát giác và bị tịch thu hết cả tiền.
Tóm lại, mọi hoạt động trong vụ việc vượt biên phải hết sức tinh tế, kín đáo, cẩn trọng, bí mật và nhạy bén như chuyện gián điệp vậy.
Khổ cho bố mẹ tôi, khi Hà Tiên bị Miên Đỏ pháo kích liên tục và nặng nề, ông bà phải bỏ nhà chạy qua Thuân Yên – một xóm nhỏ ven bờ biển, cách Hà Tiên mười mấy cây số - sang lại cái chòi lá nhỏ xíu chỉ đủ kê vài miếng ván nhỏ làm giường tạm một người nằm và một chiếc ghế bố đặt lấp lối di chuyển cho tôi ngủ khi tôi về thăm. Chòi bé, trống trước trống sau, đơn sơ như những chòi hoang trong đồng ruộng xa mà người ta dựng lên để tạm trú mưa gió vậy. Phía sau chòi sát với bờ biển hướng ra vịnh Thái Lan, một phần lõm vô sâu vào đất liền của Thái Bình Dương mà tuốt mù khơi phía bên kia bờ là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và xuống xa phía nam nữa là Úc Châu. Là những nơi mọi người mơ ước sẽ có ngày được đặt chân đến. Mái hiên phía trước có hai cánh líp bằng lá dừa chằm, ban ngày dựng ra hai bên bằng cây chống đỡ, ban đêm buông xuống làm cửa. Mặt ngoài ngó ra đường lộ liên tỉnh Hà Tiên-Kiên Lương và Rạch Giá. Phía trước mẹ tôi đặt cái lò sô nấu ăn và bố tôi đặt một cái ghế để hớt tóc. Bố tôi thật luôn biết cách xoay sở, thích ứng với hoàn cảnh một cách khôn ngoan. Ông lại khéo tay, hớt tóc đẹp nên có thể qua mắt công an địa phương được. Gọi là để kiếm tiền độ nhật sống qua ngày, thật ra đó chỉ là cái cớ để bố mẹ tôi cố bám trụ ở vùng gần biển hầu có thể tìm cơ hội cho con cái đi vượt biên thôi.
Cuộc sống của bố mẹ tôi trong thời gian này muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, cực khổ, khốn đốn, lo âu, sợ sệt, thiếu thốn tiện nghi, sức khỏe lại già yếu, bịnh tật. Không biết lúc nào bị pháo kích, lúc nào bị tấn công. Ông bà mấy lần suýt chết bởi những trận pháo kích như mưa của Khờ Me Đỏ vào Hà tiên, định chạy sang Thuận Yên với hy vọng sẽ có lúc yên ổn thì dọn trở về. Ngờ đâu không bao lâu Thuận Yên cũng bị pháo kích triền miên.
Không thể an toàn ở Thuận Yên được nên bố mẹ tôi lại phải dời xuống Kiên Lương cách đó khoảng 30 cây số. Tại đây bố tôi cũng tìm chỗ hành nghề hớt tóc để có cớ lưu lại vùng mà sớm muộn gì cũng có thể bị bất an bất ổn này. Ban đêm ông bà về tạm trú nhà bác Ngoạn, một người bạn nối khố lâu đời của bố tôi. Mấy chị em tôi tạm ẩn ở nhà bác Ba Khiêm trong Núi Trầu để chờ cơ hội. Núi Trầu là một làng nhỏ xa quận Kiên Lương chừng 5 cây số và nằm cách chợ ngã ba Kiên Lương một chuyến đò ngang, nơi đây chia ba nhánh sông, một đổ ra cửa biển Ba Hòn, nhánh thứ hai gọi là Kinh Sáng liên tục với nhánh sông chảy về Rạch Giá, nhánh thứ ba chảy thẳng lên cửa biển Đông Hồ, Hà Tiên. Núi Trầu nằm dọc theo nhánh thứ hai này. Hữu ngạn kinh này khi qua khỏi Đông Hồ là kế tiếp với Trà Phô, một làng nhỏ sát biên giới Miên. Có lẽ đây là con đường Miên tràn sang Việt Nam. Từ Kinh Sáng, gần khúc sâu bên trong của Thuận Yên, có con kinh đào Vĩnh Tế nối liền với Châu Đốc. Tả ngạn là đất rộng chạy dọc ra tới bờ biển và có đường liên tỉnh nối liền Hà Tiên-Rạch Giá. Khi có tin khẩn, bố tôi thường liên lạc với chị em tôi vào ban đêm. Ông hay mang theo cây đèn dầu con cóc đi bộ tới lui từ chợ Kiên Lương – Núi Trầu trên cả 10 cây số khi cần. Tuy rất nguy hiểm, dễ bị công an bắn lầm. Nhưng lại tránh được nhiều cặp mắt tò mò, nghi ngờ của nhiều người vào ban ngày. Từ địa điểm nhà bác tôi, Chung và Phương đã ra đi an toàn với một chuyến tổ chức khởi hành ngoài bờ Kinh Sáng tương đối chu đáo. Chị em chúng tôi thật đội ơn hai bác và các anh chị vô vàn vì đã cưu mang và che chở cho, dù hết sức nguy hiểm, có thể bị tù đày và tịch thâu nhà cửa về tội liên lụy, chứa chấp người vượt biên.
Bố mẹ tôi cố lưu lại Kiên Lương cho đến khi bị Miên Đỏ tràn sang Núi Trầu và chặt đầu vô số người Việt thì lúc đó mới chịu theo đoàn người còn sống sót chạy bộ ra Rạch Giá, cách Hà Tiên gần trăm cây số mà lòng dạ không yên, xót xa, lo lắng cho sự sống chết của hai đứa con là tôi và cậu em út - Tuấn - đang bị cầm tù tại Kiên Lương vì bại lộ trong một chuyến vượt biên khác. Muôn vàn hiểm nguy và gian nan cực khổ chỉ vì tương lai và sự sống còn của con cái. Làm sao nói hết được sự hy sinh trời biển của bố mẹ tôi!
Rồi bước kế tiếp là cuộc hải hành. Thật ra kể không sao siết nỗi sự vất vả, gian truân, nguy hiểm trên bước đường trốn thoát, vượt biên dù trên đất liền hay biển cả. Dẫu bằng phương tiện nào thì mọi người cũng đều ý thức được rằng sự lựa chọn nào cũng là thừa chết thiếu sống, là một đi không trở lại. Hơn ai hết, các bậc cha mẹ tìm đường lo cho con cái đi càng hiểu rõ điều này. Họ đau đớn, quặn thắt từng khúc ruột, xót xa tâm cang. Chẳng ai đành lòng xô con vào chỗ chết. Thế nhưng họ không còn sự lựa chọn nào khác hơn, họ cố tin vào số mệnh, cố bám víu vào tia hy vọng nhỏ nhoi để sống, để làm một việc ngoài ý muốn. Hiểu như vậy nên tôi càng cảm kích, kính phục tình yêu bao la và sự hy sinh vô bờ bến của các bậc cha mẹ đã trải qua những nỗi đoạn trường này để con cái có một tương lai khá hơn hiện tại nếu may ra chuyến vượt biển thành công.
Bố mẹ tôi đông con, mỗi lần lo cho đi từng đứa, từng đứa… Mấy đứa em tôi đi rồi, suốt đêm bố mẹ tôi thức để cầu nguyện, để lo âu hồi hộp. Ban ngày bố tôi tới lui nghe ngóng tin tức, dò la chuyện may rủi, phúc họa của chuyến hải hành. Mẹ tôi cứ như người mất hồn, thờ thẫn, lờ đờ như một bóng ma, đứng ngồi không yên. Mãi cho đến khi có tin đến nơi đến chốn an lành rồi, lúc đó bố mẹ tôi như sống lại, mới hoàn hồn. Mỗi lần chứng kiến sự thống khổ, lo âu đến thất thần của bố mẹ tôi khi gửi từng đứa con đi tôi thật đau lòng, đứt ruột, xót xa cho sự chịu đựng tột cùng, vượt bực, vô biên của họ. Nhất là khi chuyến đi bị thất bại và càng không thể ước lượng được bố mẹ tôi đau khổ cũng như lo lắng đến mức nào cái lần tôi và đứa em út bị bắt tù ở U Minh Thượng. Bố tôi lặn lội đường xa qua bao chặng đổi xe, đổi tàu đò để đi thăm nuôi chị em tôi. Không còn cảnh nào đoạn trường, xé lòng, tan nát cả con tim hơn cảnh này. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn không tin rằng tôi đủ can đảm, nghị lực làm được những chuyện như bố mẹ tôi đã làm. Ai lại không yêu thương và muốn gần gũi con cái? Có ai muốn sự bất hạnh xảy ra cho con cái mình chứ? Nhưng họ đã phải hy sinh quá to tát, chịu đựng nghìn trùng vất vả chỉ vì tương lai của con. Mấy ai đi rồi mà hiểu được cảm giác lo âu, nỗi niềm thống khổ, tâm trạng não nùng của cha mẹ, của người ở lại như thế nào.
(Còn tiếp...)
Cô Nguyễn Thị Thu