Những năm tháng dưới mái trường NLS Bình Dương tôi không được hân hạnh quen biết chị Nguyễn Thị Hồng, MS Khóa 1, cho đến lần chị ghé lại thăm vùng Thung Lũng Hoa Vàng vào năm 2009, nơi tôi đang cư ngụ.
Theo lời chị kể, do sự rủ rê họp bạn của một số bạn bè, và sau nhiều ngày năn nỉ, ỉ ôi mới được anh nhà gật đầu cho phép. Lòng mừng như mở hội chị vội mua vé bay qua San Jose. Bắc Cali. Hẹn trước chị Nguyễn Thị Phụng từ Nam Cali cũng đến thành phố nầy. Tại đây, hai chị cùng hai bạn NLSBD nữa là chị Lê Thị Thu Hà và chị Chung Thanh Tú dung dăng dung dẻ đó đây và đến thăm tôi. Trong sự tình cờ, năm bạn gặp nhau, gọi đại “ngũ long cô nương” một thời NLSBD cho đã miệng, một buổi hội ngộ thật vui vẻ, thật thú vị.
Tuy mới quen biết, gặp gỡ lần đầu vào dịp đó, cùng những trao đổi chuyện trò qua điện thoại sau này, cho tôi nhận biết chị là mẫu người hiền lành, vui vẻ, giản dị. Trời phú cho chị có lối nói chuyện chân tình rất dễ gần gũi và có lối pha trò duyên dáng rất dễ mến, từ phong cách đến ngôn từ. Tôi nghĩ bạn bè những ai từng quen biết chị cũng có cùng ý nghĩ như tôi.
Nhạn kể, Đại Hội I tổ chức tại Arlington, Texas, nơi anh chị nhận là quê hương thứ hai của mình từ ngày xa xứ. Là người trong Ban Tổ Chức Đại Hội, cả anh lẫn chị rất tích cực, chẳng những rộng mở nhà mình đón tiếp bạn bè đến lưu ngụ, cả hai đã ngược xuôi liên tục nhiều ngày trong cái nóng chói chan khắc nghiệt của những ngày hè để đến phi trường đón và đưa quý Thầy Cô cùng bạn bè từ xa đến dự Đại Hội. Mỗi lần có dịp nhắc lại, ai ai cũng tỏ lòng cảm kích và biết ơn cho công khó và sự tốn kém về việc đưa đón trong những ngày ấy. Phải chăng mọi điều được làm trong tấm chân tình và sự thương quý nhau hết mực.
Qua lời nhạn, và một số bạn bè thân thiết tiết lộ cho biết thêm chị vốn là dân Tân Phước Khánh, quê hương của nhiều huyền thoại, nhất là về võ thuật. Tương truyền ở quãng đời xa xưa, cọp còn nhiều và thường hay về làng bắt bò dê, gà qué nhưng chỉ dám bén mảng đến những làng kế cận như Bình Chuẩn hay Tân Uyên chứ không dám đến rìa làng Tân Phước Khánh vì ngán dân làng ai cũng giỏi võ. Ngay cả giới nữ lưu làng nầy, sử sách ghi lại rành rành, thương yêu chồng hết mực, với bàn tay không đã ra chiêu, múa quyền bắt cọp, trước giữ an nguy cho xóm làng, sau lấy thịt làm thức nhắm cho chồng nhậu lai rai, lấy xương nấu cao hổ cốt cho chồng bồi bổ sinh lực, trẻ mãi không già.
Các cô miền đất này thật ngoan ngoãn, thật hiền lành, cho dù đang ở phương trời tây, đang ở độ tuổi bà nội, bà ngoại nhưng vẫn giữ được nề nếp đi thưa về trình, muốn đi đâu năn nỉ đến khi chồng gật đầu mới dám xách nón ra đi. Không như phần đông các bà, các cô khác, khi bàn bạc với chồng chỉ bàn qua loa lấy lệ. Không như lời tự sự của vài chị, dân thị thành, cần đi đâu đem chồng gởi cho hàng xóm, báo hại chồng ở nhà nhớ nhung, bỏ ăn, bỏ ngủ, khóc lòi rún năm ba thước.
Mới đầu nghe chị Hồng kể chuyện năn nỉ, ỉ ôi xin phép anh cho đi thăm bạn bè, tôi không mấy tin. Nhưng sau khi nghe nhạn kể lể về sự ngoan hiền của các cô gái Tân Phước Khánh tôi mới tỏ rõ sự tình. Quả miền đất ấy đã để lại nhiều huyền thoại. Sử sách sẽ ghi thêm tên chị Nguyễn Thị Hồng vào danh sách những người vừa thương yêu chồng hết mực, vừa là người vợ ngoan hiền còn sót lại từ thế kỷ trước và tiếp nối đến thế kỷ thứ 21.
Cũng theo lời nhạn kể, nếu được tới nhà thăm, được ra sau vườn nhà anh chị, sẽ được nhìn ngắm những cây trái, bầu bí, đầy đủ các loại rau quả chính của miền quê Tân Phước Khánh ngay trên miền đất giàu dầu hỏa nhất nước Mỹ.
Nhắc đến vụ dầu hỏa mới nhớ lời nhạn kể về tin đồn, khi kể nhạn còn dặn nếu cần kiểm chứng hãy gọi hỏi hai Ông Bà Song Hỷ.
Số là một hôm chị Hồng dùng cây moi lỗ để trồng một dây bầu, đang moi đụng phải mạch, dầu phun lên cả ba bốn thước. Hoảng hồn vía, may thời chị vớ được chiếc nút bần chai rượu anh lai rai hôm trước nhét bịt lại. Lâu lâu khách phương xa đến thăm, chị khui lên cho năm ba lít làm quà. Riêng anh Lưu Xẻn, từ dạo ấy thường ghé lại mỗi cuối tuần cho xe chạy tuốt sân sau, chị Hồng đổ cho một bình xăng đầy nhóc, còn tặng thêm vài trái bầu bí “organic”. Nghe nói nhờ thế nên tóc anh Xẻn nay đã mọc lún phún vài cọng.
Nhạn mách nhỏ, kỳ nầy đi dự Đại Hội vì hơi nặng nên chị Hồng chỉ xách nổi hai “can”, chị sẽ biếu làm quà mỗi người một xị đem về nhà đốt đèn đọc sách để tưởng nhớ thời học trò chong đèn học thi.
Vốn là dân miền quê, nên tôi mong được một lần thăm quê Tân Phước Khánh của anh chị trên đất Mỹ, mong được anh chị đải cho buổi cơm với các món rau quả do chính tay anh chị ương trồng và chăm bón nơi mảnh vườn sau nhà. Đặc biệt, tôi thích nhất món canh bầu đã được mẹ cho ăn từ thuở nhỏ, được nghe nhiều lần và thuộc nằm lòng lời bà ngâm nga câu ca dao đầy tình tự quê hương:
Đầu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.
Đó là ước mơ vào những ngày tháng tới. Hiện ngày Đại Hội đã cận kề, mong được gặp đông đủ, được gặp anh chị. Nếu được tặng xị dầu, tôi sẽ xin nhường lại cho anh Nguyễn Văn Có và chị Trần Thị Hường, xem như chút quà tưởng thưởng cho hai người bạn nổi tiếng học giỏi, học chăm của Trường chúng ta. Họ thường chong đèn học thâu đêm vào mùa thi.
(còn tiếp)
NTN