altNăm 1968, khi biết được trúng tuyển vào lớp đệ Tam trường Trung Học công lập Nông Lâm Súc Bình Dương, tôi rất mừng vì con đường học vấn của tôi không bị gián đoạn. Tôi gom hết số tiền dành dụm được trong suốt thời gian vừa đi học vừa gánh nước mướn từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ, mua chiếc xe đạp cũ để làm phương tiện đi học cho những năm kế tiếp.

Ðầu tiên tôi chỉ có chút ít khái niệm về ngành Nông Lâm Súc, chỉ biết chắc một điều là tôi không phải đóng tiền đi học.

Mỗi ngày tôi đạp xe đi học từ nhà đến trường trên khoảng đường dài 6 km, dù mưa hay nắng. Chương trình học của ban Canh Nông quá nặng đối với tôi. Sáng học lý thuyết, chiều thực hành nông trại cộng thêm chương trình phổ thông theo hệ ban A bên ngoài. Về đến nhà, cởi bộ đồ đi học, quảy trên vai đôi thùng gánh nước mướn để kiếm thêm tiền mua sách học và chi phí cho buổi ăn trưa. Xong việc, tôi tiếp tục học bài cho ngày hôm sau. Nhìn lên thì thấy mình thua rất nhiều bạn bè, đôi lúc tủi thân ngồi khóc một mình, nhìn xuống thấy có nhiều bạn đồng trang lứa phải bỏ học sớm vì nhà nghèo hơn mình, hoặc vì chiến tranh khói lửa mà gia đình và người thân mất tất cả.

Sau 3 tháng nhập học, tôi chỉ mặc có hai bộ đồ đồng phục quần xanh áo trắng từ thời đệ nhất cấp, lúc đó trường chưa bắt mặc áo Nâu. Rồi trường thông báo sẽ thay đổi đồng phục, nam sinh quần xanh dương hay đen, áo màu Nâu tay dài hay ngắn cũng được. Nữ sinh quần đen, áo Nâu. Sau đó trường đổi lại một chút, nam sinh ngoài bộ đồng phục kể trên, phải mang giày đi học; nữ sinh sáng học lý thuyết phải mặc áo dài màu Nâu, nếu chiều có giờ thực hành nông trại được thay áo ngắn. Ðây chỉ là sự việc bình thường đối với các bạn học, nhưng đối với tôi lại là một sự đau khổ vì không có tiền để mua giày, vải và trả công cho thợ. Cuối cùng, tôi xin được hai bộ đồ lính cũ, phải mang đi nhuộm theo màu sắc trường qui định.

Có những buổi chiều ở lại học thực hành nông trại, tay chân rã rời, đầu chán váng, cầm cây cuốc không nổi vì buổi trưa chỉ uống một bịt trà đá, không đủ tiền mua một khúc bánh mì không chan nước tương. Thấy hoàn cảnh tôi như vậy, bạn Lê Minh Tú, Lê Tấn Xuân và một vài bạn khác đề nghị giúp tôi bằng cách cho tôi theo họ vào lúc tan học buổi trưa, xuống quán cơm Xã Hội ở chợ Búng để ăn ké với các bạn; các bạn ấy đóng tiền ăn cơm tháng tại đây. Mới đầu tôi từ chối vì tự ái của thằng con trai mới lớn, sau chịu hết nổi, cộng thêm lời giải thích của hai bạn, cơm của bộ Xã Hội trợ cấp cho người nghèo, ăn miễn phí, tụi tao chỉ đóng tiền thức ăn mà thôi, bất quá chia sẻ với mầy chút đỉnh cũng không hại gì, chưa kể thằng Xuân đui (bí danh) đang o bế con nhỏ chủ quán.

Một vài buổi ăn ban đầu tôi rất ngại ngùng và mắc cở, không dám ăn nhiều vì biết mình ăn gian chủ quán. Sau đó tôi đến gặp thẳng chị chủ quán để trình bày hoàn cảnh của mình và đề nghị xin được phụ một tay rửa chén bát. May mắn chị ấy (rất tiếc tôi quên mất tên) thông cảm và từ chối lời đề nghị của tôi, an ủi tôi cứ tự nhiên khi đến quán.

Ðây là kỷ niệm nhớ đời, tôi sẽ không bao giờ quên những chén cơm nghĩa tình mà bạn bè đồng môn đã chia sẻ cho tôi trong suốt thời gian đi học ở trường Nông Lâm Súc Bình Dương. Rất tiếc bây giờ hai người bạn đã không còn nữa và cả chị chủ quán giờ không biết sống ở phương trời nào. Xin mượn bài viết nầy thay thế cho nén hương lòng tưởng nhớ đến các bạn và chị chủ quán cơm Xã Hội ngày xưa ấy. Nếu đọc được những dòng chử nầy xin cho biết địa chỉ, và cho tôi được trả món nợ ân nghĩa, dù muộn còn hơn không.

 

Hai Râu

CN 68/72
TN 4-9-12