Nhân dịp các bạn trồng cây lưu niệm ở nông trại của Lưu Xẻn tại Arlington,Texas sau đại hội, tôi hồi tưởng đến ÔNG GIÀ TRỒNG CÂY SAO mà tôi không biết tên và chỉ gặp ở Búng một lần mà thôi.
Hôm đó, tôi đi xem các chương trình "Nông trại tại gia" của mấy em học sinh NLSBD trong đoàn Nông Gia Tương Lai. Chương trình Nông trại tại gia là hoạt động của đoàn Nông Gia Tương Lai, một chương trình thực tập của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo sư cố vấn. Chương trình có mục đích theo châm ngôn của đoàn:
-Học để làm
-Làm để học
-Tạo tiền để sống
-Sống để phụng sự.
Bởi vì lý thuyết mà không thực hành sát với thực tế là lý thuyết chưa được kiểm chứng. Học mà không làm là sự học chưa trọn vẹn. Làm việc để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và cho người khác (phụng sự).
Trên đường về, vào xế trưa, men theo các mương cây ăn trái của vùng Búng, Lái Thiêu tôi hướng về trường NLS. Sau khi khập khểnh lần theo cây cầu khỉ mong manh, tôi sang bên bờ một con rạch nhỏ. Trời hôm đó nóng ẩm mà không có gió nên thêm phần oi bức, mặc dầu xung quanh tôi đầy bóng cây ăn trái và mương nước.
Bất chợt, tôi thấy một ông già tóc râu bạc trắng, gầy gò đang khệ nệ xách nước tưới vào gốc cây non vừa mới trồng.
- Thưa bác, bác trồng cây gì vậy? Tôi tò mò hỏi.
- Tôi trồng cây sao chú à.
- Cây sao ? Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Đúng vậy, đây là cây sao rừng đó cháu à.
- Tại sao bác lại trồng cây sao mà không trồng cây ăn trái ? Tôi càng ngạc nhiên hỏi tiếp.
Ông già ngẩn đầu nhìn tôi, đôi mắt sâu ẩn dưới hàng chân mài trắng dài, chậm rãi nói:
- Cháu thấy không, chỗ này chỉ có cây cầu khỉ mong manh bắt qua rạch từ nào đến giờ. Trai trẻ khỏe mạnh qua lại dễ dàng, nhưng người già cả như tôi và đàn bà, con nít thì khó khăn lắm và nguy hiểm nữa. Nên tôi trồng cây sao nầy, sau lớn lên lấy gỗ làm cầu sẽ vững chắc hơn.
- À té ra là vậy. Tôi ngẩn ngơ đáp.
- Thưa bác tôi đi. Tôi nói
Ông già không nhìn tôi, chầm chậm khệ nệ xúc gào nước tưới vào gốc sao và nói:
- Ừ cháu đi bình an.
Tôi men theo con đê, dưới tàn măng cục trở về trường. Nhìn trời xanh lững lờ vài cánh cò trắng nhẹ nhàng bay qua. Tôi ngẫm nghĩ, cây sao từ lúc trồng đến khi lớn để lấy gỗ làm cầu ít nhứt cũng phải trên 50 năm. Ông già đã ngoài sáu mươi rồi mà còn làm một "công việc" cho bà con làng xóm trên 50 năm sau!
Một hành động nhỏ mang một ý tưởng to lớn của ông nông dân nghèo nàn, sống trên một mảnh đất mà chinh chiến tàn phá triền miên. Gần đến trường tôi phải dừng lại bên lề quốc lộ 13 chờ cho đoàn quân xa rầm rộ chạy về hướng thị xã. Xa xa văng vẳng tiếng bom rơi!. Nhìn mấy em học trò nhỏ ngây thơ rủ nhau về sau ngày học, lòng tôi trống vắng, tan tác...
NHỚ ÔNG GIÀ TRỒNG CÂY SAO
Huỳnh Kim Ngọc
Đầu mùa Đông. Indianapolis,Indiana
12-02-2011