Anh Trần văn Hai phỏng vấn Cô Bạch Thi Vàng, cây cổ thụ Trường NLS Bình Dương
 
Ðại Hội trở về, chim áo Nâu,
Thầy, Cô bè bạn khắp năm châu,
Hân hoan chào đón Ðàn Chim nhỏ,
Tổ ấm tình thương đậm một màu.
Chào bạn, Chào Thầy, Chào tất cả,
Chào anh, Chào chị đến chung vui,
Xa xôi cách trở  không ngăn được,
Nông Lâm Súc Bình Dương đẹp một nhà.

 

Ngoài những hình ảnh thân thương trong lần Ðại Hội 1 Nông Lâm Súc Bình Dương Hải Ngoại tại Arlington, Texas ngày 3, tháng 7, 2011, Hai Râu có làm thêm phần ký sự bỏ túi để ghi lại những lời nói, những cảm nghĩ của Thầy, Cô và của các bạn không được dịp nói lên nỗi lòng mình trong Đại Hội vì thời gian không cho phép.

Trước hết Hai Râu đã gặp và ghi lại cuộc nói chuyện với Thầy, Cô Hiệu Trưởng Huỳnh Kim Ngọc.

“Dạ em chào Thầy, rất vui mừng được gặp lại Thầy, Cô lần thứ hai.”

“Thầy cũng xúc động quá, khi gặp lại các em và những người bạn đồng nghiệp sau thời gian dài xa cách. Thầy cũng rất lo sợ về cái nắng nóng của Dallas, không biết sức khỏe của mình có chịu đựng được không? Bây giờ thì cái nóng đó không còn lo sợ nữa vì bên Thầy đã có những người thân thương, những đứa học trò ngày xưa đã làm cho Thầy ấm lại cõi lòng.”

“Dạ, còn Cô thì sao?”

“Cô cũng lo sợ cho sức khỏe của Thầy, và cũng phân vân nữa muốn đi, nữa không đi.”

“Tại sao vậy Cô?”

“Tại vì Cô không phải trong ngành dạy học, sợ khi đến nơi rồi Thầy sẽ ham vui bỏ Cô một mình, Cô cảm thấy lạc lõng, bơ vơ...”

“Bây giờ thì Cô cảm thấy như thế nào về các bạn đồng nghiệp của Thầy và tụi em?”

“Cô không biết diễn tả như thế nào đây cho hết ý nghĩa của cuộc gặp gỡ nầy, hình như có cái gì sâu đậm trong lòng của mỗi người khi đến đây hội ngộ, giống như là mình trở về mái nhà xưa gặp lại người thân sau bao nhiêu năm xa cách, những người anh, người em ruột thịt của mình.”

À, đây rồi. Cây cổ thụ của trường mình. Ðố các bạn biết Hai Râu sẽ phỏng vấn ai?

“Em chào cô...”

“Cô chào em, Cô biết thế nào em cũng không tha cho Cô.”

“Dạ thưa Cô, em nhớ về Cô rất nhiều dù Cô không dạy em ngày nào, nhưng khi nhìn hình ảnh Cô trên Trang Nhà nlsbinhduong.com khi Cô từ Hawaii đến Cali, Texas, Canada thăm bạn đồng nghiệp và học trò cũ, em cảm động quá.”

“Cám ơn em. Em cứ hỏi nhưng Cô nói trước Cô không biết nhiều vấn đề.”

“Dạ, em chỉ hỏi Cô một câu duy nhất. Những cảm nghĩ và đông lực nào đã thôi thúc Cô gọi điện thoại, thăm viếng những người bạn đồng nghiệp, những đứa học trò cũ của trường Nông Lâm Súc Bình Dương khi Cô biết tin, dù bất cứ ở đâu, cũng như sự có mặt của Cô trong buổi họp mặt ngày hôm nay tại Arlington, Texas?”

“Cảm nghĩ đầu tiên của Cô khi nghe hoặc biết được tin tức, nơi ở, số điện thoại của các bạn đồng nghiệp hay là của các em, dù là những người Cô đã biết trước đây hay chưa bao giờ biết, là những hình ảnh thân thương, những kỷ niệm sâu sắc, gợi nhớ một thời đi dạy dưới mái trường Nông Lâm Súc Bình Dương xa xưa ấy. Và nếu có dịp, Cô gọi điện thoại hoặc thăm viếng. Những động lực ấy đã làm cho Cô trẻ lại, sức khoẻ tốt hơn để vượt qua bệnh tật và những chặng đường dài để đến đây gặp lại các bạn đồng nghiệp và các em sau bao nhiêu năm xa cách.”

“Cám ơn Cô nhiều lắm.”

Đó là lời tâm sự của Cô Bạch Thị Vàng, một trong những cây cổ thụ đã từng dạy học tại trường Nông Lâm Súc Bình Dương chúng ta, khi trường mới thành lập.

Sau đó Hai Râu phỏng vấn tiếp người đến từ xứ LẠNH tình NỒNG, đó là Thầy Vương Thế Ðức.

“Thưa Thầy, Thầy có thể cho chúng em biết Thầy từ đâu đến và những tâm tình mà Thầy đã ấp ủ từ lâu, bây giờ gặp lại các bạn đồng nghiệp như Thầy Công, Thầy Hạng, Cô Nữ, Cô Vàng, như thế nào?”

“Trước hết cho tôi nói lên hai chữ Cám ơn. Cám ơn các em đã bỏ rất nhiều thời gian quí báu, công sức, để nghĩ và làm nên cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Nhìn những gì các em đã làm được cho kỳ Ðại Hội 1 Nông Lâm Súc Bình Dương Hải Ngoại, tôi cứ nghĩ như là trong giấc mơ, bởi vì trong cuộc đời còn lại của chúng ta không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày gặp lại nầy. Tôi từ Canada đến với Bà Xã, bất cứ lúc nào nếu các bạn đồng nghiệp và các em có cơ hội đến thăm Canada, tôi xin mời đến nơi tôi ở và xin được làm hướng dẫn viên để giới thiệu về danh lam thắng cảnh nơi đó.”

Sau đoạn đường bay từ Australia, xứ sở của những con chuột túi, vợ chồng Thầy Huỳnh Văn Công và Cô Trần Thị Nữ đến Arlington, Texas. Có lẽ không gì diễn tả cho hết được những tâm tình ấp ủ sau bao nhiêu năm xa cách qua câu biểu ngữ của bạn Phạm Văn Nghĩa (CT) “Hai hội ngộ, Một tâm tình”. Xin mời các bạn đọc lời tâm sự của Thầy Công mà Hai Râu ghi lại được dưới đây.

"Nói tới mấy chữ Nông Lâm Súc Bình Dương tự nhiên trái tim tôi rung động cảm xúc, những hình ảnh thân thương của các bạn đồng nghiệp và của những em học trò hiện lên trước mắt, hình như mới ngày nào đây chứ không phải trải qua một thời gian dài xa cách, những kỷ niệm dễ thương, những lời nói của các em đã gợi lại trong tôi cả một vùng trời lưu luyến ấy. Ước mong rằng Thầy Cô và các em sẽ gữi được mãi mối tâm tình đó, ngày càng thắt chặt hơn trong dòng máu của đại gia đình Nông Lâm Súc Bình Dương không bao giờ quên được.”

Trở lại, Hai Râu phỏng vấn Cô Nữ, đi cùng với Thầy Công từ Australia đến dự Ðại Hội.

“Thưa Cô, bây giờ là mùa Hè tại Texas, nhưng nếu em không lầm thì bên Cô ở đang vào mùa Ðông phải không Cô?”

“Vâng, bây giờ là mùa Ðông bên ấy.”

“Thế thì Cô mang cái lạnh của mùa Ðông bên đó đến đây để xua tan cái nóng của Texas, làm cho tụi em cảm thấy vui, và em nghĩ Cô sẽ có nhiều điều muốn bày tỏ trong dịp dự Ðại Hội nầy.”

“Thôi em tha cho Cô đi, Cô có rất nhiều tâm tình, nhưng không thể nói được.”

“Cô có thể đại diện cho các Thầy, Cô nói vài lời tâm sự với tuị em không Cô?”

“Vậy thì em có thể viết cho Cô vài hàng gợi ý được không?”

“Dạ nếu Cô cho phép.”

Với sự ủng hộ của Cô Vàng, Cô Loan và những người bạn khác, Cô Nữ đã nói lên được những tâm tình của mình trong Ðại Hội đến với các bạn đồng nghiệp, các học trò cũ, bằng sự xúc động chân tình và ráng kiềm chế để không rơi lệ vì quá xúc động.

Riêng đối với Thầy Nguyễn Thượng Hạng, Thầy đi với Cô đến dự Ðại Hội với tất cả nổ lực và cố gắng vì sức khỏe hơi yếu. Nhìn Thầy chống cây gậy từng bước lên bậc tam cấp nhà của Lưu Xẻn, em muốn chạy lại đỡ Thầy, và ôm Thầy, nhưng sợ mấy đứa bạn nói mình nịnh và ướt át quá. Những ký ức chợt trở về, những lời nói chân tình của Thầy Hạng, Thầy Miêng, "Tao nói với tụi mầy..." giống như lời một người anh trong gia đình tâm sự với người em, đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được trong những giờ Thực Hành NôngTrại hay những buổi cắm trại. Thầy cũng là người đã "gỡ rối tơ lòng”, dàn xếp cuộc xung đột giữa hai trường Nông Lâm Súc Bình Dương và trường Mỹ Thuật Bình Dương thời bấy giờ. À, hình như Cô đi theo với Thầy không phải là Cô gì ngày xưa ấy...? Ðùa một tí cho vui, xin Cô tha lỗi cho em nha, chuyện không có sự thật.

Lần nầy Hai Râu không phỏng vấn Thầy, nhưng muốn phỏng vấn Cô.

“Trước đây Cô có phải là dân NLS không và có từng dạy học ở ngành NLS không? Cảm tưởng của Cô thế nào khi Cô về dự lần nầy với Thầy?”

“Cô có đi dạy, nhưng dạy ở trường phổ thông, những lần nghe tụi em gọi điện thoại nói chuyện với Thầy sao mà thân thương quá, Cô cũng có ganh tỵ chút chút. Ước gì mình cũng có những đứa học trò giống như tuị em để tâm sự thì hay biết mấy. Bây giờ gặp được các em ở đây, sao Cô thấy Thầy Trò không cách biệt bao nhiêu và có nhiều kỷ niệm quá.”

“À, Cô có thấy ngày mới đến Thầy còn chống gậy, chỉ sau mấy tiếng mà Thầy đã bỏ gậy rồi.”

“Cô thấy điều đó. Có lẽ yếu tố tinh thần đã giúp cho Thầy vượt qua được tất cả và không cần uống thuốc. Phải nói lên lời cám ơn về tấm chân tình của các em và của các bạn đồng nghiệp của Thầy, mối tình giữa ThầyTrò không dễ gì kiếm được ở những ngôi trường khác, Cô hy vọng rằng các em sẽ tổ chức và gặp lại đông hơn ở những lần sau.”                               

Trong số các Thầy và Cô về gặp mặt ngày hôm ấy, Hai Râu hân hạnh diện kiến Thầy Ðặng Tấn Lung dạy môn Thủy Lâm. Thầy đã ủng hộ khuyến khích các bạn lập nên web site Nông Lâm Súc Bình Dương. Từ đó gia đình Nông Lâm Súc Bình Dương mới có cơ hội gặp lại nhau sau hơn 40 năm xa cách.

“Thưa Thầy, đây là lần đầu tiên em được biết Thầy. Thầy có những lời tâm tình gởi đến các bạn đồng nghiệp và các học trò cũ của Thầy không?”

“Ðây là lần đầu tiên Thầy được gặp những người bạn đồng nghiệp và các em, những người mà Thầy nghe tiếng, bây giờ được diện kiến. Thầy rất xúc động khi được làm việc và góp một bàn tay cho kỳ Ðại Hội nầy. Hy vọng Thầy trò chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để gặp nhau và làm việc chung cho Gia Ðình Nông Lâm Súc Bình Dương ngày càng bền vững.”

Rất tiếc Hai Râu không có nhiều thời gian để phỏng vấn tiếp các Thầy, Cô khác. Thành thật xin lỗi. Hẹn gặp lại trong Ký Sự Ân Tình phần hai.                     

Nashville, ngày 9 tháng 9 năm 2011                               

Trần Văn Hai (CN)